Ðể đảm bảo giao thông cho đô thị du lịch Ðà Lạt, Công an Ðà Lạt những năm gần đây đã không ngừng tăng cường vận động người dân tuân thủ các qui định của pháp luật về an toàn giao thông.
Một cuộc vận động an toàn giao thông cho học sinh trong trường học tại Đà Lạt. Ảnh: G.K
Áp lực giao thông
Là một đô thị du lịch nổi tiếng, Đà Lạt những năm gần đây trung bình mỗi năm thu hút trên 5 triệu lượt khách đến tham quan.
Theo các ngành chức năng Đà Lạt, những thời điểm cao điểm mùa du lịch như tết, hè hay khi thành phố tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn, có ngày thành phố đón trên 40 nghìn khách đến đây. Đi cùng với du khách là không ít xe vận chuyển hành khách cỡ lớn, xe ô tô từ tỉnh, thành trong cả nước đổ về. Đặc biệt gần đây, hầu như những ngày cuối tuần thành phố thường xuyên rất đông du khách.
Không chỉ thu hút khách du lịch, Đà Lạt còn thu hút một lượng lớn người lao động đến làm việc trong các lĩnh vực du lịch, làm vườn, rau hoa công nghệ cao. Và Đà Lạt cũng là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng nên hầu hết các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cơ quan thường trú Trung ương đều đóng tại đây với đông đảo người làm việc hằng ngày.
Cùng đó, lượng xe máy và ô tô do người Đà Lạt sở hữu hiện cũng tăng rất nhanh. Một thống kê của ngành chức năng cho biết, hiện có khoảng 200 nghìn xe máy và trên 10 nghìn xe ô tô các loại đang lưu hành tại Đà Lạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn xe máy từ tỉnh ngoài, ở các huyện do sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và của những người lao động tạm trú cùng tham gia giao thông trên đường.
Trong khi đó, do địa hình miền núi nên phần lớn đường giao thông Đà Lạt tương đối nhỏ hẹp, dốc cao, một số tuyến đường không có vỉa hè dành cho người đi bộ. Dù thành phố có lượng cư dân không nhiều so với nhiều thành phố lớn trong nước, nhưng nhà cửa Đà Lạt đa số tập trung ở các phường trung tâm, vùng ngoại ô tương đối vắng.
Cũng cần lưu ý một điểm đặc thù của giao thông Đà Lạt là tại tất cả các nút giao thông đến nay đều không có đèn tín hiệu giao thông. Với tốc độ phát triển du lịch và gia tăng phương tiện giao thông như hiện nay, để tránh kẹt xe cục bộ, Công an Đà Lạt đã phải tăng cường bố trí người điều hành tại các nút giao thông lớn trong những giờ cao điểm.
Vận động dân
Để thu hút khách du lịch đến với thành phố hoa, xây dựng thành phố văn minh, thân thiện, Công an Đà Lạt cho biết đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đảm bảo mỹ quan đô thị; tăng cường tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông nhưng trong tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện chuyên chở của du khách khi đến đây.
Công an Đà Lạt đã đề xuất các trường học trên địa bàn bố trí một phần sân trường để phụ huynh đậu xe đưa đón học sinh, nhằm giảm ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm; đề xuất Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục khảo sát các điểm đen về an toàn giao thông trên địa bàn để đưa ra giải pháp khắc phục, nhất là tuyến đường đèo; đồng thời mở rộng các nút giao thông hay xảy ra ùn tắc giao thông trong các dịp lễ hội.
Với công tác tuyên truyền, Công an Đà Lạt đã phối hợp với các ngành chức năng trong nhiều hoạt động. Cụ thể như phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo Đà Lạt, Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng cùng các trường cao đẳng, đại học tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Trong năm 2018, Công an thành phố đã tổ chức nói chuyện cho hơn 35 nghìn lượt học sinh, sinh viên của nhiều trường học trên địa bàn.
Cũng trong năm 2018, Công an thành phố đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội thi lái xe an toàn, thu hút trên 200 đoàn viên tham dự; phối hợp với Thành đoàn Đà Lạt xây dựng đội thanh niên tình nguyện với 20 đoàn viên được tập huấn hướng dẫn điều tiết giao thông, để tham gia đảm bảo trật tự giao thông trong các giờ cao điểm tại các nút giao thông trọng điểm.
Công an Đà Lạt cũng tổ chức tuyên truyền trực quan cho các lái xe của các hãng taxi hoạt động trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, các phương tiện chuyên chở đưa đón học sinh trên địa bàn cam kết yêu cầu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong kinh doanh.
Thành phố trong năm 2018 đã in và phát trên 10 nghìn tờ rơi tuyên truyền đến các cơ quan, trường học, các doanh nghiệp vận tải và người dân; làm 6 bản tin ảnh đặt tại các trường học và UBND phường, xã; cấp phát hằng nghìn móc khóa cho dân, nhằm vận động tuân thủ an toàn giao thông.
Công an thành phố trong năm đã lập danh sách trên 60 thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập đua xe quậy phá ban đêm để yêu cầu gia đình những đối tượng này cam kết không để tái phạm.
Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị công an phường, xã phát huy hiệu quả mô hình toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông; xây dựng các tuyến đường không vi phạm trật tự công cộng, không xảy ra tai nạn giao thông. Đến nay toàn thành phố đã có 76 mô hình như vậy đang hoạt động.
Theo ông Mai Xuân Huệ, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Đà Lạt, công tác tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học, khu dân cư lâu nay đã thành thông lệ và được Công an thành phố làm rất tốt, nhưng khó nhất chính là vận động được những người lao động tự do trên địa bàn tuân thủ luật lệ giao thông. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp cơ sở tổ chức tuyên truyền tại các cuộc họp dân trong các khu dân cư để các người chủ cơ sở vận động đến những người này”- ông Huệ cho biết.
Trong năm 2019 này, bên cạnh tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, Công an Đà Lạt cho biết sẽ nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức vận động, hướng đến việc dễ hiểu, dễ tiếp thu với người nghe, tập trung vào chủ đề an toàn giao thông năm 2019 “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, đồng thời sẽ tiếp tục in và phát 10 nghìn tờ rơi về an toàn giao thông đến với người dân trong năm nay.