Bình Thuận: Hạ tầng giao thông tạo đà cho du lịch cất cánh

Thứ sáu, 07/06/2019 15:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch - được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Chính vì thế, tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng thời gian đi lại của du khách khi đến với Bình Thuận.

Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư, nâng cấp

Thời gian qua, nhiều tuyến quốc lộ đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, trong đó, phải kể đến một số dự án trọng điểm như Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28, 28B đi qua địa bàn tỉnh, bảo đảm lưu thông thông suốt an toàn, góp phần tạo động lực phát triển tam giác du lịch: TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng. Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 đoạn từ ngã ba 46 (Hàm Tân) đến Bảo Lộc (Lâm Đồng). Năm 2017, tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh (181,4km) đoạn từ giáp ranh Ninh Thuận đến huyện Hàm Thuận Nam đã được nâng cấp mở rộng và đưa vào hoạt động; riêng đoạn từ Hàm Thuận Nam - Đồng Nai chỉ cải tạo mặt đường.

Ảnh minh họa

Đặc biệt các tuyến nội tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Mũi Né và đoạn Mũi Né - Phú Hài. Tiếp tục sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường thuộc các tuyến ĐT.719, ĐT.716 từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ. Đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường Lê Duẫn, Hùng Vương (Phan Thiết) và các trục đường giao thông chính kết nối với các khu du lịch của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo rà soát, đầu tư một số đường nhánh xuống biển (năm 2017 đã hoàn thành tuyến đường số 14 tại phường Hàm Tiến) phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Hiện đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng các đoạn đường thuộc tuyến ven biển từ Phan Thiết đi Mũi Né; đường ĐT.719 từ Kê Gà (Hàm Thuận Nam) đến La Gi.

Đối với tuyến giao thông đường thủy, đã đầu tư đưa vào sử dụng Cảng Phan Thiết theo hình thức xã hội hóa, đảm bảo giao thông thông suốt, ổn định tuyến Phan Thiết - Phú Quý với 8 tàu khách: trong đó có 3 tàu cao tốc, 1 tàu trung tốc và 4 tàu tốc độ bình thường. Đối với các tàu cao tốc đã rút ngắn thời gian đi lại của hành khách từ 6 -7 giờ trước đây xuống còn 2,5 giờ hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quý, nhất là du lịch.

Tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng

Hiện tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực cùng với các bộ ngành Trung ương tập trung đầu tư một số công trình giao thông đối ngoại quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km; gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 39.650 tỷ đồng; riêng kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 2.205 tỷ đồng. Dự án đi qua 5 huyện với tổng diện tích đền bù là 1.179 ha. Hiện tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn…Dự kiến đến cuối tháng 11/2019 hoàn tất giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án không chỉ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại, mà còn tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là du lịch.

Sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỉ đồng, và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỉ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn có sải cánh từ 52 - 65m, chiều rộng bộ càng đáp từ 9-14m như A320, A321…Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ. Đối với khu bay quân sự, Bộ Quốc phòng đang thẩm định báo cáo tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh thành phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng… vào tới “thủ đô resort” cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.

Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4 km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT719 Kê Gà - Tân Thiện, thiết kế dài 32,4 km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41 km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.

Để Bình Thuận trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết. Theo đó, quá trình đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cụ thể; đầu tư có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác cao nhất mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đà cho du lịch Bình Thuận cất cánh.

hoavt

Nguồn: Báo Bình Thuận

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)