Ngành GTVT Bắc Ninh đi trước mở đường, tạo đà thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển

Thứ tư, 28/08/2019 09:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
74 năm song hành cùng lịch sử dân tộc và hơn 22 năm tỉnh Bắc Ninh tái lập và phát triển, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Ninh đã, đang làm tròn sứ mệnh “đi trước mở đường”, thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà, tạo nên “huyết mạch” phát triển kinh tế.

Xác định giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, ngay từ những năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh luôn quan tâm đặc biệt tới sự phát triển mạng lưới giao thông từ thành thị đến nông thôn. Cùng với vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Sở GTVT Bắc Ninh tận dụng mọi nguồn lực để kiến thiết lại cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại. Những cây cầu nối nhịp bờ vui, những con đường mở hướng đi mới cho tương lai liên tiếp được khởi công, thông tuyến và khánh thành đã đem lại niềm vui lớn lao cho nhân dân trong toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh ngày một đi lên. Nhờ vậy, bức tranh giao thông Bắc Ninh đã ghi những dấu ấn đậm nét. Nhiều công trình giao thông quan trọng, cấp thiết được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh, như: mở rộng Tỉnh lộ 282 (nay là Quốc lộ 17), ĐT295B, ĐT277, ĐT287, cầu Bình Than...

Hệ thống giao thông đô thị được đầu tư, nâng cấp làm cho bộ mặt các đô thị ngày càng khang trang; mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng phát triển. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với hơn 3.700 km đường bộ, gồm: gần 100km quốc lộ (QL), 262km tỉnh lộ, còn lại là đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng và đường giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển...

Hệ thống giao thông Bắc Ninh phát triển đồng bộ, hiện đại phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, ngành GTVT tỉnh luôn đổi mới hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển mạnh và đồng bộ các loại hình vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách, hơn  59 tuyến cố định liên tỉnh và xe buýt nội tỉnh với 124 phương tiện. Vận tải hàng hóa, có gần 1.000 đơn vị kinh doanh vận tải với hơn 5.000 xe tải, xe đầu kéo các loại. Chất lượng vận tải từng bước được cải thiện, các phương tiện cũ, lạc hậu được thay thế. Công tác quản lý nhà nước về GTVT và trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông từng bước được nâng cao, hàng năm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.

Để thực hiện trọng trách được giao, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo dục ý thức chính trị, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đảng ủy, Ban lãnh đạo sở, Công đoàn ngành chú trọng công tác CCHC, công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trong ngành tạo nên khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp.

Mục tiêu và nhiệm vụ của ngành GTVT trong những năm tới là tiếp tục đổi mới, quyết liệt hơn nữa trong sắp xếp, kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, hiện đại, đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phong cách phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường quản lý, bảo trì hệ thống giao thông nông thôn, hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe; tiếp tục nâng cao công tác quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe để đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hóa, hành khách của địa phương và khu vực. 

Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện các nội dung trong Quy hoạch GTVT giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2050. Tập trung  đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành; chuẩn bị các bước triển khai cầu Chì; hệ thống điều hành hợp phần giao thông thông minh trong xây dựng thành phố thông minh; triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa, cảng logistic; triển khai thực hiện quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị theo hướng tăng cường khả năng kết nối vùng với thành phố Hà Nội. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tĩnh theo hướng thông minh tại các địa phương…

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành GTVT rất lớn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa rất cao của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trong việc làm chủ ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, thông minh, sáng tạo, xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới GTVT, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)