Với nhiều nỗ lực, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vừa nổ gương đào cuối cùng, chính thức “hợp long” hai mũi khoan đào phía bắc và nam hầm Hải Vân 2, vượt tiến độ 6 tháng để công trình sớm vận hành vào năm 2020.
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tổ chức thi công thông hầm đường bộ Hải Vân
vượt tiến độ 6 tháng nhờ làm chủ công nghệ.
Hầm Hải Vân 2 được mở rộng từ hầm lánh nạn với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, được khởi công ngày 25/2/2017. Sau 32 tháng thi công hối hả, gương cuối cùng có chiều dài 2m - vị trí “hợp long” 2 mũi thi công từ 2 hướng bắc và nam, được thi công phá dỡ địa chất rất chính xác.
Đây là nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công trong việc làm chủ công nghệ thi công, triển khai dự án mở rộng ống hầm Hải Vân 2.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Giám đốc Ban Quản lý dự án hầm Hải Vân cho biết, từ việc đầu tư và tổ chức thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả (qua hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), công ty và các đơn vị tham gia dự án đã vận dụng vào công tác quản lý, điều hành để triển khai hầm Hải Vân 2.
Giải pháp thi công 2 mũi từ phía bắc lẫn phía nam được triển khai để đẩy nhanh tiến độ. Áp lực địa chất phức tạp, giới hạn khung thời gian nổ mìn 2 lần/ngày được các đơn vị chức năng, tư vấn giám sát đưa vào giải pháp thi công, phương án khoan đào tối ưu; qua đó, tăng tốc độ, chiều dài mũi khoan đào. Đồng thời, các đơn vị triển khai song song các hạng mục đào, gia cố, hoàn thiện...
Thi công tuyến đường dẫn vào hầm Hải Vân 2 phía thành phố Đà Nẵng.
Kỹ sư Nguyễn Văn Quảng, trợ lý kỹ thuật Ban Giám đốc Ban Quản lý hầm Hải Vân chia sẻ: “Trong quá trình triển khai dự án hầm đường bộ Hải Vân, toàn bộ các khâu từ thiết kế, thi công, giám sát đều do người Nhật đảm nhận; người Việt tham gia với tư cách nhà thầu phụ.
Thế nhưng đến dự án hầm Đèo Cả, người Việt đã vươn lên làm chủ công nghệ khoan hầm này; chỉ một số ít chuyên gia Nhật Bản giúp sức trong khâu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát. Kinh nghiệm này tiếp tục được phát huy trong thi công hầm Hải Vân 2”.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tấn Đông, thời gian qua, chính quyền và các đơn vị quản lý Nhà nước của Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế rốt ráo xử lý công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, đẩy tiến độ thi công dự án. Nhờ đó, tiến độ thi công tại dự án được bảo đảm và với việc thông đào sớm ống hầm Hải Vân 2 vượt tiến độ góp phần quan trọng kiểm soát tốt tiến độ toàn dự án, sớm thông xe kỹ thuật, với mục tiêu đưa công trình khai thác trong năm 2020, phát huy ý nghĩa, hiệu quả dự án.
Việc sớm đưa hầm Hải Vân 2 vào khai thác, không chỉ góp phần phân lưu cho hầm Hải Vân 1, xóa “điểm nghẽn” lưu thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia mà góp phần kéo giảm tối đa kinh phí vận hành, duy tu hầm Hải Vân; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hầm Hải Vân được triển khai xây dựng vào năm 2000, chính thức đưa vào sử dụng vào năm 2005, nối thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế; trung bình mỗi ngày có 14.000-15.000 phương tiện ô tô qua lại, góp phần thông thương hàng hóa, giảm thiểu tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hầm đường bộ Hải Vân rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo Hải Vân từ 21km xuống còn hơn 6,2km, bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trong khu vực.
Tuy nhiên, hơn 14 năm đưa vào sử dụng, với tốc độ phát triển giao thông hiện nay với 2 làn xe lưu thông ngược chiều nhau trong cùng 1 hầm và không có dải phân cách đã vượt quá dự trù thiết kế ban đầu của hầm Hải Vân. Vì vậy, việc nâng cấp mở rộng hầm Hải Vân 2 là cần thiết cho giao thông, góp phần thúc đẩy sự phát triển của miền Trung và cả nước.