Hậu Giang chi hơn 2.200 tỷ cho giao thông

Thứ ba, 12/11/2019 09:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, từ năm 2010 đến nay, địa phương này đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và bê tông hóa được trên 651km đường, 357 cây cầu, với tổng kinh phí hơn 2.213 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là trên 740 tỷ đồng.

Một tuyến đường được đầu tư mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (Ảnh: K.V)

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang cũng đã có 52/53 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã, đạt 98,1% và 407/407 ấp có đường xe 2 bánh đi lại được trong hai mùa mưa và nắng, đạt 100%. Cùng với quốc lộ 1 và quốc lộ 61, đến nay trên địa bàn Hậu Giang có thêm 4 tuyến nữa là quốc lộ 61B, quốc lộ 61C, Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp.

Sáu tuyến quốc lộ trên đã tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư xây dựng giao thông nông thôn trong những năm gần đây ở Hậu Giang không chỉ phục vụ đi lại, lưu thông hàng hóa mà còn song hành với việc tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Vai trò thụ hưởng của người dân được gắn kết với việc xây dựng những tuyến đường có cảnh quan đẹp, khang trang.

Trong đó, người dân ngoài tham gia thực hiện tích cực còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những tuyến đường có cảnh quan đẹp. Do làm tốt công tác tuyên truyền từ cơ sở, người dân đã nhận thức tương đối đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực đóng góp ngày công lao động, vật chất, tự nguyện hiến đất tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhân dân cũng đã hiến đất, đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông, nhà văn hóa ấp và các công trình khác thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trong những năm tiếp theo, tỉnh Hậu Giang đề xuất Trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công từng giai đoạn, ưu tiên làm trước những công trình bức xúc. Đối với hệ thống đường tỉnh, dùng nguồn cân đối ngân sách của địa phương để phát triển hạ tầng. Thực hiện các dự án BOT, thu hút các nguồn lực từ xã hội đầu tư hạ tầng giao thông, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách. Tiếp tục vận động xã hội hóa tài trợ cầu, đường, thực hiện giải pháp nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, nhất là ở các xã nông thôn mới…/..

toanld

Nguồn: http://dangcongsan.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)