Lào Cai: Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn

Thứ hai, 20/01/2020 08:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giai đoạn 2016 - 2020, việc huy động vốn từ ngân sách gặp nhiều khó khăn, song tỉnh đã có những giải pháp khả thi để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn.

Thi công đường tránh Quốc lộ 4D

Dự án nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 152 từ trung tâm thị xã Sa Pa đi Bản Dền, xã Bản Hồ là dự án trọng điểm, đáp ứng yêu cầu bức thiết đối với nhu cầu đi lại, giao thương, đặc biệt là phục vụ phát triển du lịch ở các xã phía Tây của thị xã. Trước khi dự án được triển khai, tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hẹp, xói lở, bong bật, là thách thức đối với người và phương tiện tham gia giao thông. Trong khi đó, đây lại là tuyến giao thông huyết mạch, trải dài qua những địa danh du lịch nổi tiếng của Sa Pa như Bản Hồ, Tả Van, Mường Hoa (Hầu Thào và Sử Pán cũ)… lượng khách du lịch tham quan, trải nghiệm tăng qua các năm.

Tuy nhiên, do tuyến đường xuống cấp dẫn đến nhiều tua, tuyến du lịch không khai thác được, khách không chấp nhận trả phí tham quan bởi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn tác động xấu đến hình ảnh của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Chính vì vậy, khi dự án nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 152 từ trung tâm thị xã Sa Pa đi Bản Dền sử dụng vốn ODA được triển khai đã giải quyết được những hạn chế nói trên. Ông Trần Trọng Thông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Tuyến Tỉnh lộ 152 được nâng cấp, mở rộng, đặc biệt là có cả vỉa hè lát đá dành cho người đi bộ đến nay đã hoàn thành 90% khối lượng. Đây là dự án giao thông quan trọng, giải quyết được “điểm nghẽn” về hạ tầng của Sa Pa trong nhiều năm qua...

Đây chỉ là 1 trong nhiều dự án giao thông điển hình được triển khai trên địa bàn thị xã Sa Pa trong giai đoạn 2016 - 2020. Cũng theo ông Thông, giai đoạn này, Sa Pa được đầu tư nhiều hơn về hạ tầng giao thông so với những năm trước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và du lịch Sa Pa.

Bằng các nguồn vốn như chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA (WB, ADB), vốn ngân sách Trung ương, nhiều dự án giao thông quan trọng đã được triển khai tại Sa Pa như tuyến đường tránh Quốc lộ 4D, nâng cấp Tỉnh lộ 152, tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang… góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn. Bà Thào Thị Sống, ở thôn Nậm Toóng, xã Bản Hồ cho biết: Tuyến đường từ trung tâm thị xã xuống Bản Hồ được nâng cấp giúp người dân địa phương đi lại thuận lợi hơn. Ai cũng phấn khởi bởi đây là điều chúng tôi mong chờ từ rất lâu.

Không chỉ Sa Pa, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống giao thông trên địa bàn các huyện, thành phố cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo sự kết nối và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 176 km quốc lộ, 70 km tỉnh lộ và khoảng 2.200 km đường giao thông nông thôn. Đối với công trình do Trung ương quản lý, có thể kể đến dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Bình Minh đến cầu Kim Thành; cầu Phố Lu (Bảo Thắng), Quốc lộ 4E đoạn Bắc Ngầm - Lào Cai; đường tránh Quốc lộ 4D đoạn Km100 - Km111 và hoàn thành sửa chữa 120 km mặt đường các quốc lộ: 4D, 279, 4.

Đối với dự án đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, Lào Cai đã hoàn thành nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát; Tỉnh lộ 152 đoạn Thanh Phú - Tả Thàng - Xuân Giao - Quốc lộ 4E - Phú Nhuận; đường Quý Xa - Tằng Loỏng; đường xã Lùng Khấu Nhin - xã Tung Chung Phố (Mường Khương); đường Xuân Thượng - Việt Tiến - Minh Chuẩn và một số công trình cầu như cầu Giang Đông, các cầu trên Tỉnh lộ 151, cầu Piềng Láo trên Tỉnh lộ 158… Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như cầu Ngòi Đường tại Km35+500 trên QL4E (cũ); cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 151 đoạn nối đường Quý Xa - Tằng Loỏng với Tỉnh lộ 152; kết nối Tỉnh lộ 152 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao Phố Lu)...

Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng nền đường khoảng 2.200 km (trong đó nâng cấp mặt đường bê tông xi măng 1.800 km; mở rộng nền đường, rải cấp phối 400 km).

Ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cho biết: Giải pháp được tỉnh và ngành giao thông vận tải - xây dựng triển khai trong những năm qua là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, xác định nút thắt cần tháo gỡ. Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, đảm bảo tính liên hoàn giữa quốc lộ, tỉnh lộ và hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm; phân kỳ đầu tư phù hợp với huy động nguồn lực trên cơ sở có sự lựa chọn, ưu tiên cho từng danh mục. Phát triển giao thông nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; phát huy dân chủ, công khai, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, dân tự nguyện đóng góp”.

Trong giai đoạn tới, mục tiêu phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đặt ra nhiều yêu cầu mới, đó là phấn đấu nâng cấp 100% tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV; nâng cấp 50% số km tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, số còn lại đạt cấp V miền núi; nâng cấp 80% đường tới trung tâm các xã đạt tiêu chuẩn cấp VI hoặc V; hoàn thành xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới của tất cả các xã trong tỉnh. Theo ông Đặng Văn Lương, để đạt được mục tiêu này, ngành giao thông vận tải - xây dựng xác định tham mưu cho tỉnh ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ phần nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư một số công trình trọng điểm theo hình thức PPP; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT, BTO.

kieuanh

Nguồn: Báo Lào Cai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)