Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án) được khởi động đến nay hơn 10 năm trong sự phấn khởi và chờ đợi của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song trong quá trình triển khai, Dự án gặp phải nhiều vướng mắc. Với trách nhiệm của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tiền Giang đã quyết tâm, nỗ lực cùng nhà đầu tư, các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đưa Dự án "về đích" đúng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tiến độ cao tốc vào đầu tháng 3/2020.
Có tổng chiều dài 51,1km, đi qua thị xã Cai Lậy và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước. Dự án là một trong những trục đường trọng tâm của quốc gia, là tuyến nối trong dự án cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, sau 10 năm khởi công, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã làm việc với các cơ quan chức năng để rà soát các tồn tại trước đây của Dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục điều chỉnh. Đồng thời, nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang trong việc bàn giao vai trò Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; ký kết Phụ lục Hợp đồng số 2 ngày 08/5/2019 của Hợp đồng Dự án số 14/HĐ.BOT-BGTVT ngày 18/11/2016 với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới là UBND tỉnh Tiền Giang.
Việc bàn giao Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về cho UBND tỉnh Tiền Giang là một trong những bước ngoặt của Dự án. Thời gian đầu, có thể đây là công việc có phần quá sức với Tiền Giang, bởi đây là dự án lớn, mang tầm quốc gia và có rất nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, không vì thế mà tỉnh thiếu quyết tâm, trái lại UBND tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện Dự án. Với sự nỗ lực cùng quyết tâm, Tiền Giang đã đồng hành cùng nhà đầu tư từng bước tháo gỡ các "nút thắt" của Dự án.
Theo đó, từ khi tiếp nhận Dự án, tỉnh đã tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Nhiều lần, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án để vận động bàn giao mặt bằng, thậm chí là xuống tận nơi để gặp người dân vận động. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng để đồng hành cùng nhà đầu tư trong thời gian chờ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ, tỉnh đã tạm ứng khoảng 287 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để chi cho công tác giải tỏa, đền bù. Với 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án, đây là con số rất lớn, song bằng tinh thần, trách nhiệm và thực hiện đúng pháp luật, đến nay, tỉnh đã bàn giao 100% mặt bằng cho nhà đầu tư mà không có bị hộ dân nào khiếu nại về công tác giải tỏa, đền bù.
Song song với việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư, các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn của Dự án. Theo đó, qua quá trình khảo sát, đánh giá, ngày 01/8/2019, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, doanh nghiệp dự án... để thống nhất điều chỉnh tổng mức Dự án. Từ việc áp giá vật liệu xây dựng mới tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng, thay đổi về quy trình kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu, thay đổi về kết cấu mặt đường..., tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh tăng lên 12.668 tỷ đồng. Tới thời điểm này, coi như một "nút thắt" lớn của Dự án đã được tháo gỡ. Đây là cơ sở để UBND tỉnh và nhà đầu tư, các nhà thầu tiến hành ký kết các phụ lục hợp đồng của Dự án.
Dù nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, song khó khăn lớn nhất của Dự án nằm ở nguồn vốn tín dụng. Trong tổng mức đầu tư 12.688 tỷ đồng được chia làm 3 nguồn vốn gồm: Vốn của nhà đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án và nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Trong đó, nguồn vốn vay chiếm hơn 50% trong tổng nguồn vốn của Dự án. Sau quá trình làm việc với các Bộ, ngành có liên quan, đến cuối tháng 11/2019, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỷ đồng đã được giải ngân. Đến ngày 03/12/2019, Doanh nghiệp dự án đã nhận được 1.776 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất quan trọng để doanh nghiệp dự án chi trả cho các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ Dự án sau thời gian chậm tiến độ do thiếu vốn.
Mặt khác, sau thời gian nỗ lực đàm phán với các ngân hàng hợp vốn cho vay với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 16/12/2019, Doanh nghiệp dự án và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho Dự án. Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho Dự án là 6.686 tỷ đồng.
Để đảm bảo tiến độ chung của Dự án, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, hàng trăm người, từ Ban Điều hành, cán bộ quản lý, kỹ sư, người lao động của Dự án đã ăn Tết xa nhà, bám công trường, thi công xuyên Tết. Dự án tổ chức triển khai thi công 3 ca, kỹ sư, công nhân làm việc liên tục với tinh thần quyết tâm, làm việc để đạt kết quả thực chất.
Tưởng chừng khó khăn cuối cùng của Dự án đã được tháo gỡ, tuy nhiên, sau gần 3 tháng ký kết hợp đồng tín dụng, nguồn vốn tín dụng vẫn chưa được giải ngân do các bên liên quan chưa thống nhất được điều khoản. Lại một lần nữa, Dự án đứng trước nguy cơ đình trệ do không giải ngân được nguồn vốn tín dụng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hợp vốn tín dụng để tìm tiếng nói chung. Qua làm việc, các vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn tín dụng đã được tháo gỡ. Trên cơ sở đó, đến ngày 09/3/2020, VietinBank với vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp nguồn vốn đã chủ động giải ngân món vay đầu tiên thanh toán cho 4 gói thầu của Dự án. Đây là điều kiện quan trọng để chủ đầu tư và các nhà thầu yên tâm triển khai thi công theo đúng tiến độ.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, mặc dù rất bận rộn, nhưng vào ngày 08/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần thứ 2 xuống công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để kiểm tra, đôn đốc tiến độ Dự án. Phát biểu tại chuyến kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Ngân sách Nhà nước gần 2.200 tỷ được xử lý 100%, chỉ có tinh thần quyết tâm làm thì chúng ta mới giải quyết từ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến Mỹ Thuận - Cần Thơ để kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tinh thần ấy, quyết tâm ấy sẽ được tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, cụ thể đối với các đơn vị, địa phương có liên quan. Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, các địa phương, nhà đầu tư, đơn vị thi công tập trung tổ chức thực hiện bằng những giải pháp cụ thể để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng công trình".
Đến thời điểm này, những vướng mắc của Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được tháo gỡ hoàn toàn. Đến nay, khối lượng thi công đã đạt khoảng 35%. Để Dự án về đích đúng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng mong mỏi của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL, vấn đề còn lại là sự quyết tâm trong triển khai thi công của nhà đầu tư và các nhà thầu. Hơn bao giờ hết, người dân ĐBSCL đang từng ngày mong mỏi tuyến cao tốc này để không còn gặp phải cảnh kẹt xe, tắt đường trên tuyến độc đạo Quốc lộ 1. Song song đó, khi tuyến cao tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp các tỉnh ĐBSCL xích lại gần TP. Hồ Chí Minh hơn, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đất giàu tiềm năng này...