Mùa mưa, bão dễ khiến một số tuyến đường thuộc địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên) bị sạt lở, vùi lấp bởi đất đá, gây ách tắc giao thông. Ðể đảm bảo các tuyến đường thông suốt, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND 11/11 xã chủ động lên phương án tu sửa, khơi thông cống rãnh. Huyện cũng bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, kịp thời khắc phục khi có tình huống cấp thiết xảy ra.
Công nhân Doanh nghiệp XDTN Huy Hoàng cắt cua, tu sửa, nâng cấp quốc lộ 4H,
đoạn qua xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé.
Ngay từ khi chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, huyện Mường Nhé đã cử cán bộ kỹ thuật xuống bám nắm địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đảm bảo giao thông tại các tuyến đường liên bản, liên xã; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống lụt bão. Ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì chia sẻ: Mùa mưa hàng năm, các tuyến đường từ quốc lộ 4H vào trung tâm xã; đường Vang Hồ - Huổi Cấu; Huổi Lúm - ngã ba Xạ Phang (Mường Toong)... thường xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông. Bởi vậy, trước khi mùa mưa tới, với phương châm “phòng hơn chống” xã đã huy động lực lượng tại chỗ (dân quân, ÐVTN, phụ nữ, giáo viên...) tiến hành sửa chữa, hót sạt, mở rộng nền đường bị sụt lở, phát quang hai bên đường, nạo vét bùn rác... kiểm tra và duy tu bảo dưỡng hệ mặt cầu, dây cáp. Ðặc biệt, xã đã tổ chức họp, bàn giao nhiệm vụ cho 7/7 ban quản lý ở các bản, đoạn đường thuộc bản nào thì bản đó phải quản lý và thực hiện duy tu, bảo dưỡng, khơi thông, nạo vét cống ở các bản, đảm bảo việc đi lại cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 527,06km đường (124,5km quốc lộ; 158,6km đường huyện; 243,96km đường liên xã). Ðặc biệt, ngoài quốc lộ, tỉnh lộ phần lớn đã được nhựa hóa thì 100% đường đến trung tâm các xã là giao thông nông thôn loại A, B. Do là huyện vùng cao, Mường Nhé có địa hình khá phức tạp, các tuyến đường chạy quanh co trên các sườn núi cao, nhiều khu vực núi địa chất không ổn định; kết cấu mặt đường hẹp, ta luy dương cao nên khi mưa lớn dễ làm sạt lở đất đá, xói lở mặt đường gây khó khăn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Năm qua, nhiều trận mưa lớn kèm lốc xoáy, lũ ống đã làm sạt lở, cuốn trôi và hư hỏng nhiều tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện với các xã; các công trình xung yếu (cầu, cống...) với tổng khối lượng sụt sạt ước khoảng trên 50.000m3 đất đá. Trong năm 2018 - 2019, huyện Mường Nhé đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng, khắc phục đảm bảo giao thông trên các tuyến do huyện quản lý với chiều dài 158,6km, sửa chữa, nâng cấp đường bê tông Suối Voi - Phứ Ma 4,3km, đường vào bản Mường Toong 4, 5, 10, mở mới đường Nậm Vì - Nậm Sin với tổng kinh phí hơn 91 tỷ đồng.
Trong năm 2020, huyện Mường Nhé sẽ đầu tư nâng cấp trên 10km đường bê tông tuyến Nậm Pố - Nậm Vì, mở mới đường Quảng Lâm - Pá Mỳ chiều dài 21,3km với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Bởi vậy, trước tình hình diễn biến phức tạp của mùa mưa sắp tới, đặc biệt từ tháng 5 - 8, để đảm bảo giao thông được thông suốt, ngoài kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân trong bảo vệ, phát quang các tuyến đường liên xã, bản... UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các phòng chức năng (Kinh tế - Hạ tầng; Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng; UBND các xã...) tăng cường kiểm tra các vị trí xung yếu, chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực với phương châm 4 tại chỗ (vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, ứng cứu tại chỗ) để khi có lệnh huy động là ứng cứu được ngay. Tại các điểm, cung đường hay xảy ra sụt, sạt, lũ ống... các địa phương chủ động thành lập tổ xung kích, thường xuyên tuần tra, phát hiện sớm sự cố để thông báo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Ðối với các tuyến đường huyện, xã đang trong giai đoạn thi công, đang trong giai đoạn bảo hành cần sử dụng vật tư, vật liệu, lực lượng và phương tiện của các doanh nghiệp đang thi công; giao các đơn vị chủ đầu tư kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các phương án chuẩn bị và bố trí thường trực 24/24 giờ đảm bảo giao thông trên các tuyến. Cùng với đó, huyện cũng chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm; theo dõi tổng hợp báo cáo tình hình mưa lũ và thiệt hại về người, tài sản và cơ sở vật chất.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chuẩn bị chu đáo các phương án dự phòng, hi vọng rằng, giao thông trên địa bàn huyện Mường Nhé vào những tháng mùa mưa sẽ được an toàn, thông suốt; giảm thiểu những tác động tiêu cực do sạt lở đất đá gây ra, đảm bảo mọi hoạt động giao thương diễn ra an toàn.