Thực hiện Chỉ thị số 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, thời gian qua Ban ATGT tỉnh tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai xây dựng kế hoạch chuyên đề, giao các lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Giao thông, CSGT, Cảnh sát cơ động, Công an các địa phương đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra phương tiện giao thông đường bộ chở quá tải trọng, vi phạm kích thước thành, thùng xe.
Thực hiện Chỉ thị số 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, thời gian qua Ban ATGT tỉnh tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai xây dựng kế hoạch chuyên đề, giao các lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Giao thông, CSGT, Cảnh sát cơ động, Công an các địa phương đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra phương tiện giao thông đường bộ chở quá tải trọng, vi phạm kích thước thành, thùng xe. Đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, CSGT ngoài việc bố trí lực lượng 24/24 trực chốt kiểm soát dịch bệnh, lực lượng CSGT còn tăng cường tuần tra, kiểm soát đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước thùng xe tới các tài xế, chủ xe, người xếp hàng hóa lên phương tiện để họ hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành việc “chở đúng tải trọng-bảo vệ cầu đường-giảm tai nạn giao thông”.
Tuy nhiên, do lợi nhuận mà thời gian qua một số chủ xe, lái xe vẫn bất chấp qui định của pháp luật, cố tình cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện lại tìm đủ cách né tránh, đối phó. Thậm chí còn cho người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng nên chỉ cần dừng kiểm tra một, hai phương tiện là đã bị thông báo, “chỉ điểm” cho lái xe khác né tránh, dừng hoạt động. Trong quá trình kiểm tra, nhiều trường hợp vi phạm còn có hành vi chống đối, không hợp tác với CSGT. Có tài xế tắt máy, khóa cửa xe bỏ đi, khiến lực lượng chức năng khó xử lý khi không di chuyển được phương tiện để kiểm tra tải trọng. Trong khi đó lực lượng chức năng mỏng, thiết bị nghiệp vụ thiếu, nhiều địa phương lại chưa được trang bị cân tải trọng xách tay nên việc xử lý vi phạm xe quá tải hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi chở quá tải trọng theo Nghị định 100/2019 cao hơn đối với hành vi uống rượu bia rồi lái xe. Tuy nhiên, hành vi xử phạt bổ sung là tước GPLX (từ 1- 5 tháng) lại nhẹ hơn. Điều này theo cơ quan chức năng là điểm chưa hợp lý. Vì thế cần nghiên cứu sửa đổi để nâng lên mức xử phạt bổ sung tước GPLX từ 1 - 2 năm như uống rượu bia rồi lái xe mới bảo đảm tính răn đe.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong Quí I, lực lượng chức năng toàn tỉnh kiểm tra, lập biên bản 377 trường hợp vi phạm chở quá tải trọng (trong đó Công an tỉnh lập biên bản xử lý 296 trường hợp). Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4 đến nay, lực lượng chức năng xử lý 56 trường hợp chở quá khổ, quá tải, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 300 triệu đồng.
Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) kiểm tra trọng tải
xe lưu thông trên Quốc lộ 18 (đoạn qua xã Việt Hùng, huyện Quế Võ).
Với mục tiêu giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông thì công tác tuần tra kiểm soát xử lý sẽ được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để lực lượng chức năng của tỉnh triển khai liên tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tính mạng của người tham gia giao thông cũng như bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ, thì bên cạnh sự quyết tâm của các lực lượng chức năng, các cấp, ngành cũng cần cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các chủ hàng, chủ phương tiện và đội ngũ những người lái xe.