Để triển khai và thực hiện hiệu quả “Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ giai đoạn 2012- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Bắc Ninh huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ các giải pháp.
CSGT Công an huyện Quế Võ điều tiết các phương tiện thô sơ đi vào đường gom trên Quốc lộ 18 (đoạn qua xã Phương Liễu).
Với sự đầu tư mạnh mẽ của T.Ư và của tỉnh, Bắc Ninh hiện có mạng lưới giao thông đồng bộ và hiện đại với 5 tuyến Quốc lộ (130km), 14 tuyến đường tỉnh (khoảng 262km) và hơn 6.500 km các tuyến đường nội thị, đường huyện, đường nông thôn… Cùng với đó là 15 khu công nghiệp tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và 30 cụm công nghiệp, thu hút lượng lớn lao động từ nơi khác đến sinh sống, làm việc. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh đẩy nhanh công cuộc phát triển, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Thủ đô, cũng như hướng tới trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022.
Do quá trình đô thị hóa nhanh, cộng với gia tăng “nóng” về dân số cơ học làm cho công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1586 phê duyệt “Chiến lược Quốc gia bảo đảm TT ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Ban ATGT tỉnh chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm TT ATGT đường bộ, như: Kiện toàn Ban ATGT các cấp, xây dựng kế hoạch bảo đảm TT ATGT hàng năm, các ngày lễ, Tết và các kế hoạch xử lý chuyên đề… Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TT ATGT đường bộ tới người dân bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú như tổ chức các hội thi, hội diễn về ATGT, Nông dân với ATGT; tổ chức lễ cầu siêu và thăm hỏi các nạn nhân bị TNGT; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng thời gian và đa dạng hóa hình thức giảng dạy, tuyên truyền pháp luật về TTATGT, như triển khai mô hình “Đi đến trường an toàn - về đến nhà an toàn”, tặng mũ bảo hiểm, tư vấn, hỗ trợ kỹ năng lái xe cho giáo viên, học sinh, công nhân; thành lập các tổ giúp đỡ, tư vấn kỹ năng sống và trang bị tủ sách pháp luật về ATGT cho các công nhân tìm hiểu...
Bên cạnh việc tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, cảnh báo về các điểm nguy cơ và biện pháp khắc phục, phòng chống TNGT của các cơ quan báo chí trong tỉnh, Ban ATGT tỉnh cũng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa, treo các panô hình ảnh về văn hóa giao thông, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông... Phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” ngày càng được nhân rộng và phát huy được hiệu quả, sớm hình thành nếp sống văn hóa giao thông tại các xã, phường, thị trấn.
Từ năm 2012 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 256.876 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 248 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 2.367 mái che, mái vẩy, mái hiên di động; 1.876 biển quảng cáo, 2.876 bàn ghế, 6.000 băng rôn quảng cáo… Ban ATGT tỉnh thường xuyên tiến hành khảo sát, khắc phục các điểm bất cập, cho lắp đặt thay thế, bổ sung gần 2.500 biển báo hiệu giao thông đường bộ các loại; lắp đặt 45 bộ đèn tín hiệu giao thông, đèn cảnh báo giao thông tại các vị trí có mật độ giao thông đông đúc; sơn 60.000 m2 vạch kẻ đường, gờ giảm tốc.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khẳng định: Với việc huy động sâu rộng sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của tỉnh nên liên tục từ năm 2012 đến nay, TNGT trên địa bàn tỉnh đều giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương). Kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao, vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng được nâng lên… Hiệu quả từ việc giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống camera, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân để từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2020 - 2030, Ban ATGT tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển bền vững các giải pháp và chính sách ATGT đường bộ đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai. Triển khai các giải pháp kìm chế, kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và bảo đảm ATGT.