Phát triển hệ thống xe buýt Hải Phòng: Tạo thuận lợi cho người dân hơn nữa

Thứ ba, 12/05/2020 09:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chỉ thời gian ngắn nữa, Hải Phòng có một tuyến xe buýt mới từ bến xe Thượng Lý đến bến Gót (huyện Cát Hải). Tuyến xe buýt này vừa được Sở Giao thông vận tải ra thông báo chấp thuận tuyến mang mã số 16C, cự ly vận chuyển tối đa 35 km, gồm 36 điểm dừng đón, trả khách đi-về. Đây là tuyến xe buýt thứ 7 của thành phố, cùng với các tuyến hiện có kết nối nội thành đến hầu hết các huyện của Hải Phòng (trừ huyện Kiến Thụy và huyện đảo Bạch Long Vỹ).

Xe buýt của Công ty CP Đường bộ chạy tuyến Bến Bính - bến xe An Lão - huyện Vĩnh Bảo
                                                                              
                                                                                                

Kết nối các khu vực trọng điểm

Chưa bao giờ, một tuyến xe buýt chuẩn bị hoạt động lại được người dân thành phố quan tâm như tuyến xe buýt số 16C của Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng. Lần đầu có tuyến xe buýt đi đến đảo Cát Hải, đi qua hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm của thành phố như: Khu công nghiệp Đình Vũ, Khu công nghiệp Deep C, Nhà máy ô tô VinFast, nhà ga cáp treo Cát Hải-Phù Long, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, bến phà Gót đi Cát Bà. Anh Nguyễn Hoài Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ anh em chạy lệnh Hải Phòng cho biết, hàng nghìn người chạy lệnh (làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng và các hãng tàu) đang mong chờ tuyến xe buýt này. Vì đi xe buýt an toàn hơn và không còn vất vả đi xe máy gần 20 km làm thủ tục. Nhiều người dân thành phố thích thú, chờ đợi ngày tuyến xe khai trương để đi Cát Bà nhanh chóng, thuận lợi…

Giám đốc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng Hà Duy Hưng cho biết, công ty đầu tư 10 xe buýt mới loại B40 gồm 21 chỗ ngồi và 19 chỗ đứng, trên xe lắp camera theo dõi hành khách, gửi hình ảnh 2 phút/lần về công ty. Công ty hoàn thành lắp đặt các biển báo báo hiệu điểm dừng xe buýt theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải. Đây là tuyến xe buýt “đặt hàng” của thành phố và có trợ giá nên giá vé chỉ 15.000 đồng/lượt suốt tuyến và vé tháng có giá 300.000 đồng. Xe chạy liên tục từ 6 giờ đến 19 giờ 30 hằng ngày.

Theo Sở Giao thông vận tải, tuyến xe buýt số 16C là tuyến xe buýt thứ 7 đăng ký hoạt động cho đến thời điểm này. Trước đó, có 6 tuyến xe của 3 doanh nghiệp hoạt động với 2 tuyến/doanh nghiệp. Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng có 2 tuyến gồm: đường Đà Nẵng - Đồ Sơn và sân bay Cát Bi-cầu sông Hóa. Công ty CP Đường bộ Hải Phòng duy trì 2 tuyến từ bến xe Cầu Rào đi Dụ Nghĩa và bến Bính đi huyện An Lão, Vĩnh Bảo. Công ty Vận tải Tân Việt có 2 tuyến: Lại Xuân (Thủy Nguyên) - Ngã 5 Máy Tơ và Minh Đức (Thủy Nguyên) - ngã 5 Máy Tơ. Như vậy, 7 tuyến xe buýt kết nối hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố và qua các khu vực kinh tế trọng điểm (trừ huyện Kiến Thụy và huyện Bạch Long Vỹ). Điều đó cho thấy xe buýt Hải Phòng đang từng bước lấy lại niềm tin, thu hút sự chú ý của người dân và làm thay đổi hình thức tham gia giao thông của nhiều người. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Mở cơ hội để phát triển mạnh mẽ

Xe buýt Hải Phòng bắt đầu phát triển vào khoảng những năm đầu thế kỷ này, với khá nhiều doanh nghiệp tham gia. Nhưng vì cơ chế tự chủ, chỉ một số tuyến được hỗ trợ, còn lại các doanh nghiệp phải tự cân đối nên giá vé xe buýt ở Hải Phòng cao và có sự chênh lệch giữa các tuyến. Hơn nữa, quá trình dài hoạt động, xe không được bảo dưỡng, chăm sóc chu đáo nên xuống cấp. Xe kém chất lượng, tuyến chưa hợp lý, nhà chờ ít, nên người dân chưa “mặn mà” với xe buýt, trừ những tuyến trọng điểm. Sau thời gian thăng trầm, từ hơn 10 doanh nghiệp với 18 tuyến xe buýt hoạt động năm 2000, đến nay chỉ còn 3 doanh nghiệp với 6 tuyến xe, cho thấy xe buýt ở Hải Phòng giảm về số lượng do chưa đáp ứng thiết thực nhu cầu của người dân.

Theo Sở Giao thông vận tải, nỗ lực mới trong việc phát triển xe buýt Hải Phòng bắt đầu từ năm 2017 khi thực hiện Nghị quyết số 29/2017 của HĐND thành phố về điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hơn 100 nhà chờ xe buýt được xây dựng, lắp đặt ở các tuyến đường có xe buýt hoạt động; một số tuyến đường mới cũng có nhà chờ xe buýt như đường trục đô thị Bắc Sơn - Nam Hải. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là có cơ chế ưu tiên cho xe buýt phát triển như: vay vốn, dành quỹ đất xây dựng bến, huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực… Cùng với quá trình phát triển, một đơn vị điều hành chung ra đời, là Trung tâm Quản lý, bảo trì giao thông công cộng và đăng kiểm thủy thuộc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nhận định, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi xe mới là cơ hội để xe buýt phát triển. Đây là điều mà trước đây các doanh nghiệp tham gia chưa thực hiện tốt.

Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thịnh Hưng Hà Duy Hưng chia sẻ, vì đánh giá chưa tốt để mở tuyến và chưa đạt yêu cầu về kết nối, công ty đã phải dừng 4 tuyến vì hoạt động không hiệu quả. Trước khi mở tuyến số 16C từ Bến xe Thượng Lý đi bến Gót, công ty tổ chức khảo sát kỹ lưỡng về nhu cầu, tính toán những tuyến đường xe qua bảo đảm phù hợp, đón trả khách an toàn, thuận lợi.

kimcuc

Nguồn: Báo Hải Phòng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)