Hiện Bình Dương có hàng chục tuyến đường do tỉnh quản lý, với tổng chiều dài hơn 491km. Trong đó, đường bê tông nhựa nóng chiếm 250,85km và đường láng nhựa là 240,21km.
Thời gian qua, việc lưu lượng giao thông qua địa bàn gia tăng mạnh, nhất là các loại xe có tải trọng lớn đã làm ảnh hướng không nhỏ đến hạ tầng giao thông, gây khó khăn cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ.
Đơn vị chức năng thực hiện dặm vá một điểm bị xuống cấp trên tuyến ĐT749a
Nhiệm vụ thường xuyên
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, cho biết những năm qua cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, thu hút đầu tư đã kéo theo vấn đề phương tiện giao thông gia tăng rất nhanh chóng, đặc biệt là các loại phương tiện giao thông tải trọng nặng để phục vụ phát triển công nghiệp. Mặc dù hệ thống hạ tầng giao thông đã được lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên, tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội, nhất là tốc độ phát triển của phương tiện tải trọng lớn. Mặt khác, do hệ thống giao thông của Bình Dương đã được xây dựng từ khá lâu (từ 15 - 20 năm trước), do vậy đến nay đã đến thời kỳ trung tu, đại tu, trong khi đó điều kiện nguồn vốn để duy tu hàng năm dành cho hệ thống đường sá có những hạn chế nhất định...
Trước tình hình trên, ngành GTVT đã có những giải pháp mạnh dạn, sáng tạo trong công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên toàn bộ hệ thống đường trên địa bàn tỉnh. Sở đã tập trung quản lý chặt công tác bảo dưỡng thường xuyên trên từng tuyến đường, qua đó có thể phát hiện, xử lý những hư hỏng kịp thời. Bên cạnh đó, công tác duy tu, sửa chữa định kỳ các tuyến đường theo hướng sửa chữa ngay những hư hỏng vừa phát sinh, cố gắng trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, tập trung duy du từng đoạn, bảo đảm ATGT.
Cùng với đó, để công tác duy tu, bảo trì đường bộ đạt hiệu quả, Sở GTVT đã triển khai thêm nhiều giải pháp cụ thể, như: Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang giao thông; tuần tra, kiểm soát phát hiện sớm, đánh giá nguyên nhân và đưa ra phương án bảo dưỡng đường xuống cấp; kiểm tra, rà soát các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu bảo trì giao thông…
“Định kỳ, hàng quý Sở GTVT tổ chức đoàn đến từng huyện, thị, thành phố để kiểm tra từng tuyến đường, đồng thời có biên bản để thống nhất các giải pháp xử lý đối với từng đoạn đường cụ thể. Ngoài ra, nếu có yêu cầu đột xuất, ngành sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng, địa phương tiến hành rà soát cụ thể những trường hợp cần bổ sung biển báo hiệu đường bộ, đôn đốc các đơn vị quản lý cầu đường cần tập trung làm tốt công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng đường bộ, các công trình bảo đảm ATGT...”, ông Trần Bá Luận cho biết thêm.
Góp phần xử lý các “điểm đen” về tai nạn giao thông
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, Sở GTVT đang góp phần giúp giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; bảo đảm không có tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân hư hỏng, sự cố cầu, đường. Công tác quản lỷ, sửa chữa đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực, cầu đường êm thuận, an toàn; các công trình khắc phục “điểm đen” hiệu quả, đặc biệt là xử lý tốt hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
Hiện tại hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được duy tu bảo đảm lưu thông liền lạc, ổn định trên toàn tuyến. Đến nay, 100% các tuyến đường tỉnh đã được nhựa hóa. Thời gian qua, nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa được các đơn vị trực thuộc Sở GTVT thường xuyên thực hiện trên nhiều tuyến huyết mạch của tỉnh, cụ thể có thể kể đến như ĐT748, ĐT749a, ĐT749b, ĐT744, ĐT750, ĐT741b... nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Ngành GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, dùng vốn duy tu để đầu tư nâng cấp từ đường sỏi lên đường bê tông nhựa nóng cho tuyến ĐT749c. Đặc biệt việc sử dụng vốn duy tu để thực hiện gần như đầu tư mới để nâng tải trọng, nâng tĩnh không đối với cầu Ông Cộ (cũ), đồng thời phải bảo đảm được điều kiện khống chế tổng vốn không quá 15 tỷ đồng, theo đúng tiêu chí của nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Cũng nằm trong các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, Sở GTVT đã thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc, biển chỉ dẫn, biển báo cấm đỗ xe trên đường hẹp, đông đúc; bố trí đinh phản quang, tiêu dẫn hướng trên các tuyến giao thông huyết mạch… với kinh phí ít nhưng hiệu quả, góp phần giảm tai nạn giao thông. Tính từ năm 2015 đến nay, các đơn vị chức năng đã xử lý hàng chục “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ 13, ĐT741, ĐT743, Tân Vạn - Mỹ Phước…