Hà Nội: Khuyến khích bán vé online và đảm bảo phòng chống, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh dịp nghỉ Lễ 2/9

Thứ hai, 24/08/2020 15:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều ý kiến nhận định, kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay, áp lực về vận tải hành khách không lớn, người dân đi lại ít do thời gian nghỉ ngắn và ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vấn đề cần quan tâm hơn cả là công tác phòng chống, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại các bến xe, nhà ga, điểm trung chuyển…

Xe đón khách tại Bến xe Mỹ Đình

Khuyến khích bán vé online

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ chỉ có một ngày nghỉ. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi chơi, tham quan, du lịch của người dân. Theo nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Bằng, lượng hành khách liên tỉnh trong dịp nghỉ lễ sắp tới sẽ không cao, thậm chí có thể thấp hơn cả ngày thường. “Nhiều người dân e ngại dịch bệnh Covid-19 sẽ không đi xa, hoãn về quê hoặc có đi cũng sử dụng phương tiện cá nhân” - ông Nguyễn Anh Bằng dự đoán.

Hiện các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch dự phòng xe, tăng cường hình thức bán vé phục vụ người dân. Để giảm tối đa áp lực tại các bến xe vào những ngày trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ 2/9, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các bến xe phối hợp với DN vận tải khách liên tỉnh, triển khai sớm các hình thức bán vé online, đặt vé qua tổng đài điện thoại. Các bến xe phải bố trí thêm quầy bán vé, tăng cường nhân viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị vận tải kịp thời bán vé cho hành khách khi lượng hành khách tăng đột biến tại các bến xe.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để giảm tải cho bến xe, thuận tiện cho hành khách và góp phần phòng ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19, Sở khuyến khích các DN bán vé online, đặt vé được qua điện thoại. Đồng thời, có phương án dự phòng xe tăng cường trên các tuyến để kịp thời giải tỏa khách tăng đột biến tại bến xe, hạn chế thấp nhất việc ứ đọng khách trong bến. Đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh, hợp đồng và du lịch, các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe phải niêm yết đầy đủ thông báo về luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé... theo quy định, không tuỳ tiện tăng giá cước vận tải.

Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt bố trí xe bảo đảm số lượng và chất lượng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thời gian chạy, lộ trình tuyến. Trong đó chú trọng các tuyến hoạt động phục vụ hành khách tại bến xe khách liên tỉnh, khu vực nhà ga, cảng hàng không, điểm trung chuyển các tuyến qua các khu vực tổ chức vui chơi... Đồng thời, xây dựng kế hoạch bố trí xe tăng cường phục vụ trên các tuyến thông qua các bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây; ga Hà Nội; các điểm trung chuyển: Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Trần Khánh Dư... trong những ngày cao điểm để kịp thời giải tỏa khách khi lượng khách tăng đột biến. Các DN hoạt động vận tải khách bằng xe taxi được yêu cầu bố trí phương tiện bảo đảm về số lượng, chất lượng và người lái phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân trên địa bàn.

Quản chặt trong bến

Hà Nội đã khôi phục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đặc biệt tại các điểm tập trung đông người như bến xe. Sở GTVT đã liên tục có thông báo, yêu cầu DN vận tải tăng cường các biện pháp phòng dịch, phương tiện phục vụ phải bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bổ sung dung dịch sát khuẩn tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn). Các bến xe cần nghiêm túc kiểm soát xe ra vào, đăng ký đón trả khách, kiểm tra chất lượng phương tiện, người lái, hàng hóa theo quy định; bố trí cán bộ của bến xe đo thân nhiệt của hành khách tại cửa ra vào và bố trí chỗ ngồi, chờ đối với hành khách có thân nhiệt cao.

Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho hay: “Bến đã phát liên tục tuyên truyền, nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trên hệ thống loa. Tại các cửa ra vào đều có nhân viên đo thân nhiệt cho hành khách”.

Khó kiểm soát ngoài bến

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng phòng ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực vận tải hành khách, nhất là vào dịp nghỉ lễ như ngày 2/9 sắp tới. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Việc kiểm soát tại các bến xe không khó. Khó là việc xe bắt khách trên đường, xe dù, bến cóc, xe khách trá hình… Giả sử có trường hợp lây nhiễm sẽ khó tìm kiếm, rà soát nhanh chóng”.

Lo ngại này là có cơ sở, hiện tượng xe khách dừng đỗ, bắt khách dọc đường trên địa bàn Hà Nội còn diễn ra phổ biến, nhất là khu vực xung quanh các bến xe lớn. Ngoài ra, các tuyến vận tải khách đường dài, đi qua nhiều tỉnh như Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh… gần như không thể kiểm soát được số lượng khách lên xuống ngoài bến, các bến xe cũng không có danh sách, thông tin. Nếu có trường hợp khách lên xuống dọc đường nhiễm bệnh hoặc có nguy cơ lây sẽ cực khó để tìm kiếm kịp thời. Mặt khác, việc kiểm soát dịch bệnh tại các văn phòng, điểm đón khách lẻ núp bóng xe hợp đồng để chạy liên tỉnh lỏng lẻo hơn tại các bến xe rất nhiều; chỉ có thể trông mong vào sự tự giác của DN và hành khách là chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, Sở GTVT Hà Nội, các địa phương và lực lượng chức năng liên quan không thể lơ là công tác kiểm soát dịch bệnh tại các văn phòng, điểm đón của xe hợp đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường, quyết liệt xử lý vi phạm dừng đỗ đón trả khách trên đường của xe khách liên tỉnh, vừa để bảo đảm trật tự, ATGT, vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn, phòng ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19 đang được đặt lên hàng đầu. Các xe ra vào bến đều phải báo cáo danh sách hành khách, có thông tin để liên hệ rà soát khi cần. Các xe không có đầy đủ nước sát khuẩn, không nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang sẽ không được xuất bến, đăng tài.
 

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)