Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng lưới giao thông, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ngành du lịch. Do đó, bên cạnh chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, khai thác hiệu quả giao thông đường sắt; vài năm trở lại đây, Thanh Hóa đang chú trọng “mở cửa bầu trời” hay đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng hàng không, nhằm mở thêm một hướng phát triển cho du lịch.
Từ tháng 7/2020, Bamboo Airways triển khai
2 đường bay mới kết nối Thanh Hóa với Quy Nhơn và Phú Quốc.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của nó trong việc kết nối Thanh Hóa với nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng hành khách và hàng hóa đạt mốc 1 triệu lượt hành khách (năm 2019) và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã và đang cho thấy tiềm năng phát triển. Trong quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt ngày 12-6-2020), Cảng Hàng không Thọ Xuân sẽ có chức năng là Cảng Hàng không Quốc tế, dự bị cho Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Đồng thời, cảng có thêm đường cất/hạ cánh số 2 và có thể khai thác các tàu bay thân rộng như Boeing 787-9 Dreamliner, Airbus A350-900 và tương đương trở xuống. Từ đó, nâng công suất khai thác lên 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Có thể nói, việc nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân không chỉ mở rộng hướng phát triển cho chính nó; mà còn góp phần nâng cao sức hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.
Đối với lĩnh vực du lịch, vài năm trở lại đây, Thanh Hóa luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá cả về lượt khách và tổng thu. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách đạt 7,4%/năm, tổng thu du lịch tăng 18,1%/năm. Đây là những căn cứ quan trọng để Thanh Hóa đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch thông qua đường hàng không. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng phát triển của du lịch Thanh Hóa và tiềm năng phát triển của Cảng Hàng không Thọ Xuân, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không đã và đang tiến hành hoạt động kết nối Thanh Hóa với các điểm du lịch trong cả nước.
Điển hình phải kể đến mới đây nhất (tháng 7/2020), Hãng hàng không Bamboo Airways đã triển khai 2 đường bay mới, kết nối Thanh Hóa với các trọng điểm du lịch là Quy Nhơn và Phú Quốc, nâng tổng số đường bay thường lệ đến/đi Thanh Hóa của hãng lên 3 đường. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiếp tục nghiên cứu và lên kế hoạch mở thêm đường bay, nhằm kết nối Thanh Hóa với các tỉnh/thành trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Tập đoàn FLC (Công ty mẹ của Hãng Hàng không Bamboo Airways) và tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ hàng không, đô thị du lịch nghỉ dưỡng công nghệ cao (tại huyện Thọ Xuân), với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh Bamboo Airways, từ ngày 9/6/2020, Hãng hàng không Vietjet cũng chính thức mở bán vé 8 đường bay mới, trong đó có đường bay kết nối trọng điểm du lịch Đà Nẵng với Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh và Thanh Hóa. Đặc biệt, mừng khai trương 8 đường bay mới, Vietjet cũng công bố chương trình khuyến mãi 2,5 triệu vé siêu tiết kiệm giá chỉ từ 8.000 đồng, trên toàn mạng bay nội địa. Thời gian bay từ 6/9 đến 31/12/2020; riêng 8 đường bay mới áp dụng từ 18/6 đến 24/10/2020. Với sự tham gia của các hãng hàng không và nhất là những ưu đãi dành cho khách hàng, có thể nói, du lịch bằng đường hàng không đang trở thành một sự lựa chọn rất đáng cân nhắc của du khách khi muốn đến/đi từ Thanh Hóa.
Cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp, thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc “mở cửa bầu trời” là hết sức quan trọng. Đơn cử như việc kết nối du lịch 3 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh bằng đường hàng không. Vốn dĩ, cả 3 địa phương đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác phát triển du lịch và thực tế, việc hợp tác này đã có những kết quả bước đầu. Chính vì vậy, việc kết nối và thu hút khách du lịch đến các tỉnh bằng đường hàng không cần được tính đến, nhằm không lãng phí nguồn tài nguyên du lịch và hạ tầng giao thông sẵn có. Bởi cùng với Cảng Hàng không Thọ Xuân, thì Cảng Hàng không Quốc tế Vinh (Nghệ An) cũng được đánh giá cao nhờ lợi thế và tiềm năng phát triển.
Hiện, thông qua đường hàng không, cả 3 tỉnh đã được kết nối với nhiều tỉnh/thành trong cả nước, trong đó có các trọng điểm du lịch. Điển hình như Hãng hàng không Bamboo Airways đã khai trương 3 đường bay mới kết nối Thanh Hóa - Quy Nhơn với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần (thứ 3, 5, 6, chủ nhật); Thanh Hóa - Phú Quốc với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần (thứ 2, 4, 7); Vinh - Quy Nhơn có tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần (thứ 2, 4, 7) với giá vé ưu đãi từ 199.000 đồng. Có thể nói, việc đẩy mạnh kết nối vùng bằng đường hàng không, sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh trong thời gian tới.