Từ kết quả trong đầu tư xây dựng, những năm qua, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu đột phá về kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển, kết nối liên vùng.
Trung tâm hành chính huyện Nam Giang được đầu tư khang trang
Đầu tư đồng bộ
Ông Nguyễn Trường Tâm, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Nam Giang cho biết, bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã tập trung triển khai hàng trăm công trình trên các lĩnh vực giao thông - thủy lợi, giáo dục - y tế, văn hóa - xã hội… với tổng kinh phí gần 738 tỷ đồng. Đây được xem là bước ngoặt trong công tác đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện.
Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược mang hiệu quả bền vững. Với tổng vốn đầu tư hơn 372 tỷ đồng, bên cạnh tập trung thực hiện các tuyến đường xung yếu, huyết mạch như đường vào trung tâm hành chính, giao thông đến trung tâm xã Chơ Chun, Đắc Pring, cầu Sông Thanh…, địa phương còn tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và đóng góp của nhân dân để bê tông hóa các tuyến giao thông liên xã, liên vùng. Nhờ vậy, việc kết nối giao thương ngày càng được rõ nét, đảm bảo đi lại thông suốt, an toàn.
“Đến nay, 12/12 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 75% số đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa và 66% số đường nông thôn, liên thôn được cứng hóa. Giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ nông sản, giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Tâm nói.
Song song phát triển hạ tầng giao thông, Nam Giang đẩy mạnh đầu tư cho thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đảm bảo các hoạt động tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài xây dựng mới 12 công trình thủy lợi, đập chứa nước và gần 11km kênh mương các loại, địa phương đã sửa chữa cải tạo các đập tràn, đập dâng, hệ thống đường ống tưới thủy lợi, góp phần phòng chống hạn, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cho hơn 2.400ha đất trồng lúa, với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng trăm phòng học, phòng giáo vụ, khu hiệu bộ, nhà ăn tại các cơ sở giáo dục; trung tâm y tế, các trạm y tế; các thiết chế văn hóa cộng đồng; tái định cư… được huyện đầu tư đồng bộ, với tổng nguồn vốn gần 415 tỷ đồng.
Tiếp tục huy động nguồn lực
Cũng theo ông Nguyễn Trường Tâm, trong đầu tư hạ tầng, địa phương ưu tiên xây dựng các dự án phù hợp với nhu cầu bức thiết trong thực tiễn; luôn công khai, minh bạch về nguồn vốn, thiết kế kết cấu công trình; huy động và nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng. Bên cạnh kết quả đạt được, trong lĩnh vực phát triển hạ tầng của huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: nguồn vốn đầu tư công dành cho hạ tầng kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn; việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế chưa tương xứng và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng cụm công nghiệp và khu vực các xã vùng cao, biên giới. Trong khi đó, chất lượng của một số công trình quy hoạch còn thấp; công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư còn nhiều vướng mắc; một số dự án chưa đảm bảo tính xuyên suốt khiến công trình chậm tiến độ…
Để nâng cao hiệu quả phát triển đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện, cùng với xây dựng giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn, Nam Giang định hướng tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại, từng bước khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị trung tâm hành chính huyện và một số hạng mục dân sinh về điện, nước, xử lý môi trường nước thải, rác thải...
“Yêu cầu đặt ra là chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án đảm bảo kế hoạch, tiến độ thi công, cũng như tổ chức thực hiện tốt Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và đặc biệt là thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình đã đề ra. Đảm bảo lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và thi công có đủ năng lực, góp phần nâng cao chất lượng công trình, tránh xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện dự án” - ông Tâm nói.