Hạ tầng giao thông tạo động lực cho du lịch Bình Thuận cất cánh

Thứ ba, 29/09/2020 13:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch, vốn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, khi Khu du lịch Mũi Né được công nhân là Khu du lịch quốc gia, tỉnh đã rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để tạo động lực mới cho ngành du lịch cất cánh.

Hệ thống giao thông Phan Thiết ngày càng hiện đại.

Sôi động những con đường du lịch

Thông tin cuối tháng 9/2020 chính thức khởi công xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo như cột mốc mở đầu cho sự sôi động của hàng loạt dự án giao thông đối ngoại mà tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương chuẩn bị triển khai. Từ cao tốc Bắc - Nam các đoạn đi qua Bình Thuận, sân bay Phan Thiết, đường ven biển quốc gia cho đến các trục đường kết nối các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh đã và đang cởi mở dần “nút thắt” hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch.

Trước đó, các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28, 28B đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hoàn thành, bảo đảm lưu thông thông suốt an toàn cũng đã góp phần tạo động lực phát triển không chỉ riêng du lịch Bình Thuận hưởng lợi mà tam giác phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng cũng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đến nay, việc hoàn thành đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 đoạn từ Ngã Ba 46 (huyện Hàm Tân) đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tạo cơ hội kết nối, mời gọi khách du lịch đến tham quan từ thị trường Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Riêng Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Thuận được mở rộng, nâng cấp đã rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đến Mũi Né - Phan Thiết tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến Bình Thuận ngày càng nhiều hơn.


Đầu tư phát triển giao thông du lịch.

Với giao thông nội tỉnh, Bình Thuận cũng vừa ưu tiên ngân sách địa phương, vừa tận dụng các nguồn vốn trung ương để đầu tư mở rộng và xây mới. Việc đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú đã đem lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Bắc tỉnh, trong đó hưởng lợi nhiều nhất có lẽ là ngành du lịch. Không chỉ giao thông thuận lợi để đưa du khách đến gần hơn các địa điểm tham quan nổi tiếng như Bàu Trắng, Hòn Rơm, Mũi Né, mà bản thân tuyến đường còn được rất đông du khách tìm về để check-in, để “sống ảo” và đều đồng tình với danh xưng do du khách bình chọn “Cung đường ven biển sống ảo đẹp nhất Việt Nam”.

Riêng tuyến đường phục vụ khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né từ cầu Hùng Vương đến Đá Ông Địa được đầu tư mở rộng hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông du lịch. Thay cho hình ảnh chật chội và dễ ùn tắc giao thông vào mùa cao điểm du lịch là con đường thênh thang với 2 làn xe đưa du khách an toàn, thoải mái từ trung tâm thành phố biển đến Hàm Tiến - Mũi Né chắc chăn là lời mời khách hiệu quả nhất. Tương tự, việc sữa chữa, nâng cấp một số đoạn thuộc các tuyến ĐT716, tuyến ven biển Phan Thiết đi Mũi Né, tuyến ĐT719 từ Kê Gà (Hàm Thuận Nam) đến La Gi nối với Quốc lộ 55 đi Vũng Tàu đã tạo thêm sự an toàn và thân thiện cho điểm đến Mũi Né - Bình Thuận.

Động lực mới cho ngành du lịch

Trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tại tỉnh Bình Thuận, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch là một trong những giải pháp quan trọng. Bình Thuận sẽ phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại khu du lịch quốc gia Mũi Né, khu du lịch Phú Quý. Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, cảng vận tải Phan Thiết, các bến du thuyền và nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch.

Đến nay, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km gồm 3 dự án thành phần là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có tổng mức đầu tư khoảng 39.650 tỷ đầu đang gấp rút để triển khai thi công. Các tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ kết nối cao tốc TP.MCM - Long Thành - Dầu Giây với sân bay quốc tế Long Thành và đoạn Vĩnh Hảo - Nha Trang với sân bay quốc tế Cam Ranh, khi đó Bình Thuận sẽ là điểm đến của thị trường khách không chỉ từ các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên mà còn là các các khu vực tiềm năng du lịch lớn khắp thế giới.

Đầu tư phát triển giao thông du lịch.

Dự án sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn 2020 khoảng 10.272,9 tỷ, giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn sau khi đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút, còn các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh chỉ khoảng hơn 1,5 giờ bay là đến với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Một trong những tuyến đường không chỉ du khách mà người dân thành phố Phan Thiết cũng luôn mong đợi là con đường Nguyễn Đình Chiểu xuyên qua “khu phố Tây” Hàm Tiến vừa hoàn thành việc mở rộng và lát vỉa hè phía Tây từ Đá Ông Địa đến Hoàng Ngọc Resort. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và càng thêm ý nghĩa thiết thực khi góp phần phục vụ phát triển du lịch.

Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020 ghi rõ: “Tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.  Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm, các điểm du lịch tiềm năng”. Với những niềm vui trên từng dự án hạ tầng giao thông đã, đang hoàn thành và đi vào hoạt động vừa hoàn thành mục tiêu Nghỉ quyết 09 của Đảng bộ, vừa thực sự tạo động lực mới cho du lịch Bình Thuận cất cánh.

hoavt

Nguồn: Báo Bình Thuận

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)