Xe buýt Hà Nội: Thách thức và cơ hội

Thứ hai, 02/11/2020 14:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2020 với thật nhiều biến động, thách thức đang dần trôi qua, ghi lại những dấu ấn rõ nét của xe buýt Hà Nội trong sự phát triển chung của TP. Đặc biệt, đây còn là năm bản lề, định hình lại hướng đi cho xe buýt trong thời kỳ mới khi có sự xuất hiện của đường sắt đô thị (ĐSĐT).

Ba điểm nhấn

Đại diện Sở GTVT cho biết, nhiều năm qua, để tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông, không chỉ hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở mang mà mạng lưới xe buýt của TP cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại.

Đến nay, Hà Nội đã có 124 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến: 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%). Xe buýt Hà Nội hiện đã đạt số lượng trên 1.200 chiếc, chủng loại phong phú với: xe buýt nhanh BRT; xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG; xe buýt đạt chuẩn khí thải EURO IV, V; xe City Tour…

Xe buýt vận hành trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi địa dịch Covid-19, dù thuộc diện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sụt giảm lượng khách và cắt giảm tần suất hoạt động, nhưng mạng lưới xe buýt của Hà Nội vẫn tạo nên điểm nhấn ấn tượng khi duy trì tốt vai trò chủ công của mình. Cụ thể, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn TP 9 tháng đầu năm nay ước đạt 596 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17% nhu cầu đi lại của người dân; góp phần hạn chế đáng kể phương tiện giao thông cá nhân, giảm UTGT trên địa bàn TP.

Dù là loại hình vận tải công cộng tập trung đông người, nhưng trong suốt thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19, không có ca lây nhiễm nào xuất hiện trên toàn mạng lưới xe buýt của Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Ngô Xuân Phú chia sẻ: “Các biện pháp phòng dịch trên xe buýt đã được được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách”. Đó cũng là một điểm nhấn quan trọng của xe buýt Hà Nội trong suốt thời gian TP căng sức chống lại đại dịch Covid-19.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, theo lộ trình dự kiến, trong năm 2021, các tuyến ĐSĐT: Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Ngay từ bây giờ mạng lưới xe buýt của TP đã được lên kế hoạch tổ chức lại cho phù hợp với sự xuất hiện của vận tải công cộng khối lượng lớn - ĐSĐT. Đánh giá cao sự chuẩn bị này, Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho rằng: “Việc đồng bộ kết nối ĐSĐT với các loại hình khác, đặc biệt là xe buýt, vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của ĐSĐT. Với sự chuẩn bị chu đáo, hệ thống xe buýt Hà Nội đã góp phần tạo nên niềm tin vào sự thành công cho ĐSĐT”.

Thách thức cũng là cơ hội

Sau giai đoạn chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, dù đã bắt tay ngay vào phục hồi hoạt động, mạng lưới xe buýt Hà Nội vẫn khó tránh khỏi những tồn tại, khó khăn thực tế. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Sở GTVT Hà Nội cũng như các đơn vị quản lý, vận hành xe buýt đã nỗ lực liên tục để vượt khó, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Vấn đề đặt ra trước mắt là các đơn vị khai thác dịch vụ xe buýt phải có sự chuyển mình nhanh chóng, bắt kịp xu thế của thời kỳ mới.

Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung nhận định: “Đối với nhiều hành khách, các tiện ích tăng thêm như: Wifi miễn phí, chất lượng chỗ ngồi, ứng dụng trên thiết bị thông minh giúp tìm xe buýt… đã trở thành tiêu chí để lựa chọn”. Hiện không ít tuyến xe buýt của TP do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội vận hành đã được trang bị các tiện ích này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh xe buýt khác lại chưa làm được, dẫn đến sự thiếu đồng bộ, ảnh hưởng chung tới thương hiệu “Xe buýt Hà Nội”. Để thay đổi, đòi hỏi các DN vận tải phải có sự đầu tư; và trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không dễ để thực hiện. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, năm 2020 là thời điểm cách mạng công nghiệp 4.0 được thúc đẩy mạnh mẽ, các thành tựu của công nghệ thông tin sẽ quyết định thành bại của nhiều DN, trong đó có cả vận tải hành khách và xe buýt. Đầu tư cho sự đổi mới chính là đầu tư cho ổn định và phát triển bền vững.

Mặt khác, khi có sự xuất hiện của ĐSĐT, xe buýt sẽ thay đổi rất nhiều vai trò và cách vận hành của mình. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì mạng lưới, năng lực vận chuyển như hiện nay, xe buýt Hà Nội phải được điều chỉnh hợp lý, tăng cường hơn nữa năng lực giải tỏa khách để phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với ĐSĐT. Trước mắt, Sở GTVT Hà Nội mới điều chỉnh luồng tuyến và tần suất xe buýt theo yêu cầu mới khi có ĐSĐT. Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, còn cần phải điều chỉnh cả loại hình phương tiện, phương pháp tiếp cận xe buýt tại các nhà ga ĐSĐT. Đó là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để xe buýt chứng minh vai trò quan trọng của mình trong hệ thống vận tải công cộng cũng như sự phát triển chung của đô thị Hà Nội.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, toàn bộ mạng lưới xe buýt đã phải ngừng hoạt động từng phần đến ngừng hẳn trong khoảng tháng 3 - tháng 4. Khi các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng, lượng hành khách đã tăng trở lại nhưng còn chậm. Ước tính, hết năm 2020, hệ thống vận tải công cộng của Hà Nội có thể đạt 800 - 900 triệu lượt hành khách.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)