Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực, hoàn thành đầu tư và cơ bản khép kín các tuyến đường vành đai, bao gồm từ Vành đai 1 đến Vành đai 3,5, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung.
Đồng thời, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan nghiên cứu triển khai tuyến Vành đai 4 và Vành đai 5 nhằm tăng khả năng kết nối và lan tỏa tới các địa phương trong Vùng Thủ đô…
Tuyến đường Vành đai 3 cơ bản hoàn thiện sau khi cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
thông xe vào tháng 10/2020
Từng bước khép kín các tuyến đường vành đai
Tháng 10/2020, Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường Vành đai 3 Hà Nội, với chiều dài 5,367km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc được đưa vào khai thác. Như vậy, cùng với các dự án đã hoàn thành trước đó, đoạn cầu cạn này góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3 của Thủ đô.
Trong khi tuyến Vành đai 3 đã cơ bản được khép kín thì đến nay, tuyến Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 2,5 trong khu vực nội đô thành phố cũng đã hoàn thành nhiều đoạn tuyến. Cụ thể, Vành đai 1 đã hoàn thành một số đoạn như: Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Xã Đàn, Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái. Với tuyến Vành đai 2 là đoạn từ Cầu Giấy kéo dài qua cầu Nhật Tân sang đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy. Nhiều đoạn của tuyến Vành đai 2,5 cũng đã được xây dựng, như đoạn qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, đoạn Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy, đoạn Công viên Cầu Giấy - Trung Kính và đoạn qua Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính…
Là một trong những người có nhà trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường Vành đai 1 đoạn từ Xã Đàn đến Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), bà Nguyễn Thị Minh Loan nhớ lại, đường Xã Đàn những năm 2004-2005 chỉ là một đoạn đê chật chội, nhếch nhác, sinh hoạt và đi lại rất bất tiện. Việc thành phố đầu tư mở đường đã tạo nên một con đường đẹp, đồng bộ, góp phần cải thiện tình trạng giao thông cho Thủ đô.
Thực tế, tuy còn không ít khó khăn, song thành phố Hà Nội đang nỗ lực, từ bố trí vốn đến công tác giải phóng mặt bằng với mục tiêu nhanh chóng khép kín các tuyến đường vành đai. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung đầu tư hệ thống vành đai theo quy hoạch, trong đó tập trung xây dựng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; tiếp tục đầu tư hoàn thành đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và chuẩn bị đầu tư đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy để khép kín tuyến Vành đai 2; tiếp tục hoàn thiện 4 đoạn tuyến còn lại trên địa bàn quận Cầu Giấy và Thanh Xuân để khép kín tuyến Vành đai 2,5. Với tuyến Vành đai 3,5, thành phố sẽ tập trung hoàn thành đoạn Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 32 và tiếp tục đầu tư các đoạn từ Đường 5 kéo dài đến cầu Thượng Cát; cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32; nút giao Đại lộ Thăng Long…
Cần phân rõ trách nhiệm đầu tư
Cùng với tập trung hoàn thành, khép kín các tuyến đường từ Vành đai 1 đến Vành đai 3,5, Hà Nội cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan đẩy nhanh thực hiện xây dựng các đoạn tuyến của đường Vành đai 4, Vành đai 5. Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (56,5km, đi qua 7 quận, huyện), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km). Tuyến Vành đai 5 có tổng chiều dài khoảng 331,5km, đi qua 8 tỉnh, thành phố, trong đó đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 48km (đi qua 6 quận, huyện, thị xã). Những công trình quan trọng này nhằm tăng khả năng kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong Vùng Thủ đô.
Trước đây, Chính phủ đã định hướng để UBND các tỉnh, thành phố chủ động lập dự án, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các đoạn tuyến trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, quy mô quy hoạch các tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn; tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện. Việc áp dụng hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư) là phương án khả thi, tuy nhiên các cơ chế, chính sách hiện hành chưa hấp dẫn nhà đầu tư…
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà cho rằng, để giải quyết các khó khăn này cần phân công rõ trách nhiệm và phối hợp đồng bộ tiến độ đầu tư giữa Hà Nội với các cơ quan trung ương cũng như các tỉnh lân cận, theo hướng Bộ Giao thông vận tải đầu tư các tuyến đường có tính chất liên vùng (Vành đai 4, Vành đai 5, các tuyến cao tốc), Hà Nội và các tỉnh đầu tư công trình thuộc địa bàn quản lý. Với Hà Nội, ông Vũ Hà đề xuất ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối với các tỉnh lân cận bằng nguồn vốn thu từ đấu giá đất...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, hiện thành phố đang xem xét hồ sơ 3 dự án theo hình thức PPP, tương ứng với 4 đoạn tuyến Vành đai 4 trên địa bàn, gồm: Đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32; đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; đoạn từ Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Hồng Hà và đường dẫn hai đầu cầu. UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm huy động vốn, kêu gọi đầu tư để các bộ và địa phương triển khai tuyến đường Vành đai 5.