Tuyên Quang: Hoàn thiện hệ thống giao thông, động lực phát triển

Thứ tư, 25/11/2020 07:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giao thông có sứ mệnh đặc biệt: Đi trước mở đường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quag đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa, liên kết kinh tế vùng, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh ta với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Dấu ấn những cây cầu

Tỉnh ta địa hình đồi núi phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đi lại, giao thương buôn bán của nhân dân. Để khắc phục khó khăn và bất cập này, Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã xác định, phát triển giao thông là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng để đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cầu dân sinh thôn Gà Luộc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được đầu tư
xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

Trong khoảng một nhiệm kỳ qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 7 cây cầu lớn bắc qua sông Lô, sông Gâm và 47 cây cầu trên đường giao thông nông thôn. Có thể nói, trong điều kiện còn khó khăn, nguồn lực hạn chế thì đây được coi là một kỳ tích. Riêng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang hiện nay đã có 5 cây cầu vượt sông Lô, gồm cầu Nông Tiến, Tân Hà, An Hòa, Bình Ca, Tình Húc. Mới đây nhất, tỉnh đưa vào sử dụng cầu Tình Húc kết nối thành phố với Quốc lộ 2 và Quốc lộ 37, mở ra cơ hội lớn liên kết phát triển kinh tế vùng, phát triển du lịch, dịch vụ giữa tỉnh ta với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Ông Đặng Ngọc Tâm, nguyên Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh, giao thông bị chia cắt không thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc xây mới những cây cầu là hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan, mang lại giá trị lớn cho người dân. Trong điều kiện tỉnh ta không có đường sắt, đường biển, hàng không thì  việc từng bước hoàn thiện hệ thống đường bộ, xây thêm những cây cầu đã phá vỡ thế độc đạo trên các tuyến đường đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ việc hệ thống giao thông được kết nối, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Woodsland Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản; Tập đoàn VinGroup đầu tư vào lĩnh vực du lịch…

Trong 5 năm tới, tỉnh tiếp tục xây dựng thêm 3 cây cầu lớn, gồm cầu Xuân Vân (Yên Sơn), cầu Minh Xuân (TP Tuyên Quang), cầu Bạch Xa (Hàm Yên) và xây mới 200 cây cầu nhỏ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Xây dựng thêm những cây cầu thỏa lòng mong ước của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông

Trong thời gian qua, tỉnh và ngành GTVT tỉnh đã tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh, đường huyện được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, tạo bước tiến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ, ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, trong 5 năm qua, toàn tỉnh nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hơn 800 km đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị; hoàn thành bê tông hóa trên 400 km đường giao thông nội đồng; sửa chữa, cải tạo 177,4 km đường giao thông nông thôn. Đây là bước đột phá trong phát triển hệ thống giao thông, tạo động lực xây dựng đô thị động lực và xây dựng nông thôn mới. Phát triển hệ thống giao thông đã tạo tiền đề quan trong trọng để tỉnh hình thành và kết nối các khu, cụm công nghiệp và các khu, điểm du lịch, dịch vụ; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại giá trị gia tăng cho người dân. Hiện toàn tỉnh đã hình hành 2 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp và 3 khu du lịch, 11 điểm du lịch; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với trên 140 nghìn ha rừng trồng, trên 8 nghìn ha cam, 8 nghìn ha chè… góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Xuất phát từ yêu cầu quan trọng của giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá. Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nhấn mạnh, từ chủ trương lớn đã được xác định, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt ngay từ thời gian này để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh dài 18km; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C qua địa bàn tỉnh; xây dựng đường từ Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và nhiều tuyến đường quan trọng khác, tạo động lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, BCH Đảng bộ tỉnh dự kiến chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội với 11 đề án, 1 chương trình tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025.

Với những kết quả đạt được và mục tiêu lớn trong thời gian tới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại hơn, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.       

kieuanh

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)