Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải, hướng tới đô thị Vĩnh Phúc

Thứ tư, 02/12/2020 15:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để thực hiện một số chương trình, dự án cấp thiết về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đảm bảo tính liên tục trong quản lý đầu tư và quản lý quy hoạch giai đoạn 2021- 2025, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là rất cần thiết; từ đó, đáp ứng nhu cầu phát triển KT- XH, hướng tới đô thị Vĩnh Phúc.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển KT-XH

Với sự đầu tư, phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh phân bố khá hợp lý, mật độ đường giao thông cao.

Mạng lưới giao thông đối nội (hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, giao thông nông thôn) kết nối với mạng lưới giao thông đối ngoại (hệ thống đường liên tỉnh, đường quốc gia) đã và đang được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Một số tuyến giao thông quan trọng mới được hình thành tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và đô thị.

Tuy nhiên, hệ thống GTVT của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Các tuyến quốc lộ như: QL2, 2C, 2B chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến năng lực thông qua còn hạn chế; chưa có hệ thống giao thông chính nối thông trực tiếp Vĩnh Phúc với Thái Nguyên.

Giao thông đối ngoại nối khu vực phía Tây Hà Nội chưa phát huy do chất lượng khai thác QL2C còn thấp, dù cầu Vĩnh Thịnh đã đưa vào sử dụng. Các nút giao thông đối ngoại phần lớn là các nút giao bằng, ngoại trừ các nút giao với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Các giao cắt với đường sắt mới chỉ có 3 cầu vượt, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mất an toàn giao thông. Các công trình cầu đã xuống cấp, quy mô nhỏ hẹp; nhiều cầu có tải trọng thấp (dưới 13T), không đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng GTVT trong tương lai.

Với quan điểm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại; ưu tiên phát triển khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc để phát triển đô thị Vĩnh Phúc thành đô thị loại 1, tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc Trung ương; tăng cường kết nối giữa vùng đô thị Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh, vừa qua, HĐND tỉnh đã đồng ý để UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, nhằm tránh lưu lượng giao thông quá lớn vào trung tâm đô thị, giải tỏa, điều phối các luồng xe quá cảnh qua khu vực Vĩnh Yên cũng như thống nhất giữa quy hoạch GTVT với Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, Quy hoạch phân khu đô thị Vĩnh Phúc, 5 tuyến đường vành đai sẽ được hình thành.

Quy mô hệ thống đường tỉnh giữa các đồ án quy hoạch đã duyệt sẽ được cập nhật, rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng.

Một số tuyến đường, công trình giao thông, cầu lớn vượt sông sẽ được bổ sung quy hoạch như:

Tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, đoạn từ Đại Lải đi Tây Thiên với tổng chiều dài khoảng 23,6km.

Tuyến đường kết nối trục Bắc Nam (Vĩnh Phúc) với trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh, kéo dài kết nối đường Hàm Nghi đến QL2 tại Phúc Thắng, Phúc Yên với tổng chiều dài 16,3km.

Nâng cấp mở rộng QL2B nhằm phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh với chiều dài 24,2km.

Đường song song đường sắt từ Phúc Yên đến cầu Hạc Trì (2 bên của đường sắt) với chiều dài trung bình 33km mỗi bên.

Cầu Vĩnh Phú, đường dẫn đầu cầu đến ĐT.306 kết nối huyện Sông Lô và thành phố Việt Trì với quy mô cầu dài khoảng 700m, rộng 16,5m.

Cầu Vân Phúc kết nối huyện Yên Lạc và huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với quy mô cầu dài 1.200m, rộng 16,5-24m…

Để đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới đường bộ của tỉnh, tỉnh cũng bổ sung quy hoạch xây dựng 10 nút giao khác mức tại các tuyến đường trục chính và một số cầu vượt bộ hành dành cho người đi bộ tại khu vực thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên.

Cập nhật, đặt số hiệu đường bộ của 17 tuyến đường tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước về GTVT với tổng chiều dài khoảng 371,3km.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các nội dung điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 khoảng 19.405 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương khoảng 1.785 tỷ đồng; ngân sách tỉnh khoảng 4.584 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác.

Việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông hợp lý, thống nhất trong toàn tỉnh, hình thành những trục giao thông kết nối các cụm, khu vực phát triển kinh tế của tỉnh.

Từ đó, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, khai thác tối đa thế mạnh của từng phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa…), thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

hoavt

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)