Trong giai đoạn 2021-2030, thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng. Theo đó, cùng với phát triển hệ thống xe buýt hiện đại, thân thiện môi trường, thành phố sẽ có các tuyến xe buýt nhanh, hệ thống đường sắt đô thị (metro)... phấn đấu đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển đa dạng loại hình VTHKCC,
trong đó chủ lực là hệ thống xe buýt.
Xe buýt phát triển chưa như kỳ vọng
Sử dụng xe buýt là phương tiện đi lại nhiều năm nay, chị Lê Kiều My (nhà ở đường Khổng Tử, quận Thủ Đức) phản ánh, nguyên nhân chính khiến hành khách chưa mặn mà với xe buýt là việc di chuyển rất mất thời gian so với phương tiện cơ giới cá nhân. “Chúng tôi mong chờ hệ thống giao thông công cộng phát triển đa dạng và hiện đại hơn, trong đó có tuyến metro số 1 sắp hoạt động”, chị Lê Kiều My nói.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, đặc điểm đô thị thành phố là dân cư và nhà ở riêng lẻ phân bố dàn trải, cấu trúc đô thị phân tán nên người dân vẫn phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân. Còn Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải cho hay, diện tích bến bãi phục vụ cho vận tải công cộng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố hiện còn thiếu hơn 918ha so với quy hoạch hơn 1.145ha. Trong khi đó, phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh. Tính đến giữa năm 2020, thành phố đang quản lý hơn 8,1 triệu phương tiện (gồm gần 765 nghìn xe ô tô và gần 7,36 triệu xe mô tô).
Trái ngược với thực tế trên, năng lực vận tải hành khách công cộng lại đang có xu hướng giảm dần. Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 132 tuyến xe buýt, với 2.332 xe, nhưng năng lực vận tải giảm bình quân 6,65%/năm suốt từ năm 2014 đến nay. Về nguyên nhân, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết, cùng với số phương tiện giao thông cá nhân tăng liên tục qua từng năm; sự phát triển của dịch vụ gọi xe công nghệ; cơ sở hạ tầng đường sá, bến bãi chưa đáp ứng, dẫn đến việc người dân ít sử dụng xe buýt. Cùng với đó, thành phố đã cắt giảm các tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả; một số tuyến phương tiện vận chuyển cũ (hoạt động trên 10 năm); việc bố trí trạm dừng, lộ trình xe buýt chưa hợp lý...
Đầu tư mạnh cho vận tải công cộng
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đưa vận tải hành khách công cộng trở thành chủ lực, ngoài việc hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng xe buýt, thành phố cần sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn như: Metro, xe buýt nhanh, xe điện mặt đất (Tramway), đường sắt một ray (Monorail)…, để thu hút người dân sử dụng, góp phần hạn chế xe cá nhân, giải bài toán quá tải hạ tầng và ùn tắc giao thông.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu phát triển giao thông công cộng của thành phố đến năm 2025 sẽ đảm nhận 15% và đến năm 2030 là 25% nhu cầu đi lại của người dân. Lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân qua 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 2021-2025, mở rộng mạng lưới và ưu tiên phát triển xe buýt.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Lê Hoàn cho biết, để tăng khả năng tiếp cận, ngành vận tải công cộng sẽ phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ (minibus) chạy gom khách các tuyến nhánh ra tuyến chính, liên thông với các loại hình vận tải khác. Còn Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải thành phố) Đỗ Ngọc Hải thông tin, về vận tải khối lượng lớn, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến sẽ lần lượt hoàn thành cuối năm 2021 và năm 2026. Còn tuyến xe buýt nhanh - BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành cuối năm 2023.
Xa hơn, giai đoạn 2026-2030, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên phát triển, đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn, trong đó có các tuyến metro số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) và các tuyến đường sắt đô thị khác. Song song, ngành Giao thông thành phố thực hiện việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân. Dự kiến kinh phí thực hiện kế hoạch này là gần 394.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 47.644 tỷ đồng.
Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, thành phố sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong vận hành và điều hành; đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai); phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như xe điện bánh hơi, đường sắt nhẹ, vận tải khách đường thủy...