Năm 2020, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã cấp 43.977 giấy phép lái xe (GPLX), tăng 46% so với năm 2019. Trong đó, riêng GPLX hạng A1 tăng đột biến so với các năm trước.
Sợ bị xử phạt
Tháng 10/2020, trong một lần từ huyện Đức Cơ ra TP. Pleiku giải quyết công việc, anh Puih Luyn (xã Ia Kriêng) điều khiển xe máy va chạm với xe đạp của một nữ sinh. Mặc dù hai bên đã thỏa thuận nhưng trong quá trình tiếp nhận xử lý vụ việc, lực lượng chức năng phát hiện anh Luyn điều khiển xe mô tô dung tích xi lanh dưới 175 cm3 không có GPLX. “Mình bị phạt 1 triệu đồng vì không có GPLX. Lâu nay, mình chủ quan, không đi học và thi để được cấp GPLX”-anh Luyn bày tỏ. Tháng 11-2020, anh Luyn nộp hồ sơ đăng ký học GPLX hạng A1 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đức Cơ và kỳ thi sát hạch vào đầu tháng 12. “Chi phí học và thi chỉ bằng 1/3 số tiền tôi phải nộp phạt. Bây giờ, tôi yên tâm rồi”, anh Luyn vui vẻ cho hay.
Cán bộ Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra, giám sát công tác tổ chức
sát hạch cấp giấy phép lái xe tại huyện Krông Pa
Một trường hợp khác là ông Rơ Lan Khai (trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Trong đợt cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Công an phát động, ông Khai đã bị Cảnh sát Giao thông xử phạt vì điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có GPLX. “Hôm ấy trong làng có người đau nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi chở vợ đến thăm. Sau khi xử phạt, các đồng chí Cảnh sát Giao thông đề nghị tôi đi học lái xe để đảm bảo kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Tháng 10/2020, tôi đăng ký học và được cấp GPLX hạng A1”-ông Khai vui vẻ nói.
Theo thống kê của Sở GTVT, năm 2020, toàn tỉnh có 38.100 trường hợp được cấp GPLX mô tô, tăng 74,8% so với năm 2019. Đáng chú ý, số lượng học viên người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô tăng 32% so với năm 2019, trong đó có 2.663 trường hợp người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt (tăng 13,1% so với năm 2019).
Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông
Nói về nguyên nhân tăng mạnh số lượng học viên đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A1, ông Đoàn Đức Hùng-Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe, Chi nhánh Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai cho hay: “Cuối năm 2019, Trung tâm đã lắp đặt 3 trung tâm sát hạch loại III tại thị xã Ayun Pa, An Khê và huyện Chư Prông. Việc làm này đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo, sát hạch hạng A1; đồng thời thu hút lượng học viên từ các khu vực vùng sâu, vùng xa”.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khánh Bảo cho biết: Năm 2020, Công ty đã đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho 10.260 trường hợp, tăng hơn 2.000 trường hợp so với năm 2019. “Để giúp học viên đăng ký, theo học và sát hạch thuận tiện, Công ty đưa nhân viên về tận thôn, buôn kể cả ngày nghỉ hỗ trợ người dân tham gia học lái xe. Ngoài ra, các kỳ sát hạch cũng được gom về một khu vực phù hợp để thí sinh giảm bớt khó khăn trong đi lại”.
Theo ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở GTVT), năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch gần 1 tháng, sau đó là giãn cách xã hội; một số đơn vị trường nghề trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện tinh giản, sắp xếp lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Trước tình hình đó, Sở GTVT đã linh động xây dựng các phương án tổ chức đào tạo, sát hạch cấp GPLX phù hợp với từng giai đoạn đặc thù. Song, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người dân địa phương đi học lái xe là bởi trong năm 2020, Bộ Công an và Công an các địa phương liên tục triển khai các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là đợt cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.