Trong 5 năm tới, Đồng Nai dự tính sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư công lớn trên lĩnh vực hạ tầng giao thông để tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các dự án, công trình trên nếu hoàn thành sớm sẽ là đòn bẩy để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, tạo đà mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo Sở KHĐT, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực đầu tư công của tỉnh sẽ cần nguồn vốn hơn 70 ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn. Trong đó, số lượng vốn lớn dành cho các công trình hạ tầng giao thông.
Những dự án tạo sức bật cho toàn vùng
Dự kiến những dự án hạ tầng giao thông có thể tạo ra sức bật lớn cho kinh tế của Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực lân cận trong giai đoạn 2021-2025 là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3, Tuyến đường liên cảng, Cầu Cát Lái, Hương lộ 2...
Vì thế, trong 5 năm tới, Đồng Nai sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương, tỉnh, thành lân cận, chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên. Trong đó, đa số các dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua. Với những dự án cấp quốc gia, Đồng Nai chủ yếu làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Công việc này sẽ được tỉnh ưu tiên thực hiện theo đúng lộ trình của các công trình, dự án.
Theo Sở KH-ĐT, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư 2 lĩnh vực chính là hạ tầng giao thông và các hồ chứa nước. Vì thế, sẽ có một số hồ ở khu vực H.Cẩm Mỹ, Định Quán, Thống Nhất, TP.Long Khánh được đầu tư xây dựng mới để cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Nguyễn Phong An cho biết: “Ngoài hoàn thành sớm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án quan trọng của quốc gia và tỉnh, H.Long Thành sẽ tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ”. Mục tiêu của H.Long Thành là sẽ lên thị xã và nâng tầm dần để trở thành thành phố sân bay.
Huyện Nhơn Trạch là nơi sẽ triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường vành đai 3, Cầu Cát Lái, Đường liên cảng và một số dự án tổng kho xăng dầu, cảng phục vụ cho tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch chia sẻ: “Trên địa bàn huyện đã quy hoạch đất đai để triển khai 35 dự án hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án lớn cấp quốc gia, vùng và tỉnh. Năm 2021, huyện gấp rút hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số dự án lớn như: đường vành đai 3, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vào cảng Phước An, đường liên cảng... để sớm khởi công, hoàn thành. Những dự án trên sẽ giúp cho huyện thu hút đầu tư tốt, tăng trưởng mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế”. Dự tính, Đồng Nai sẽ hoàn thành công tác bồi thường đường vành đai 3 vào tháng 6/2021 để đầu quý III/2021 có thể khởi công và hoàn thành vào năm 2025.
Cầu Cát Lái sẽ được Đồng Nai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025
Mới đây, trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Bến Lức - Long Thành... là những dự án quan trọng của quốc gia. Các dự án trên hoàn thành sớm giúp cho GRDP Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng cao”.
Hiện GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 45% cả nước và đóng góp 42% trong thu ngân sách nhà nước. Do đó, vai trò của Đồng Nai trong việc thực hiện các dự án tạo ra đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất lớn. Những năm gần đây, khâu khó thực hiện nhất trong các dự án đa số là bồi thường giải phóng mặt bằng. Các dự án cấp quốc gia, vùng nằm trên địa bàn tỉnh hoặc đi qua đều phải thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, Đồng Nai sẽ chịu gánh nặng và áp lực lớn trong bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất cho các dự án. Bên cạnh đó, tỉnh còn gần 1 ngàn dự án khác trên các lĩnh vực cũng cần phải thu hồi đất để thi công.
Tạo nhiều kênh vốn để đầu tư
Đồng Nai cần nguồn vốn đầu tư công rất lớn cho giai đoạn 2021-2025. Nếu chỉ trông đợi vào nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ không đáp ứng đủ, do đó bài toán đặt ra cho tỉnh muốn thực hiện nhanh các dự án quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội thì phải làm tốt công tác quy hoạch về đất đai, xây dựng, rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ của dự án, có vốn để đầu tư. Đơn cử như H.Nhơn Trạch có dự án đường liên cảng cần gần 7 ngàn tỷ đồng, cầu Cát Lái 6,5 ngàn tỷ đồng; TP.Biên Hòa có đường ven sông Cái gần 4 ngàn tỷ đồng, đường trục trung tâm thành phố hơn 3,1 ngàn tỷ đồng...
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, Đồng Nai sẽ khai thác lợi thế về đất đai ở những nơi mở ra các tuyến đường lớn để lấy vốn đầu tư các công trình quan trọng. Cụ thể, tuyến đường liên cảng được đầu tư, phía hai bên đường sẽ được tỉnh quy hoạch, hình thành các khu đô thị cao cấp dọc theo cảng. Các khu đất triển khai các dự án khu đô thị trên sẽ được thu hồi, đấu giá lấy tiền để đầu tư. “Các địa phương có quy hoạch các tuyến đường giao thông sẽ đầu tư trong 5-10 năm tới, tỉnh đều yêu cầu đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 những khu đất có lợi thế. Cập nhật quy hoạch xây dựng các khu đất đó để khi đấu giá thành công, DN có thể triển khai nhanh các dự án theo quy hoạch” - ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, khoảng 3 năm trở lại đây, những khu đất diện tích lớn, giáp đường giao thông chính của tỉnh có quy hoạch chi tiết, đồng bộ đưa ra đấu giá được nhiều DN bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để sở hữu. Gần 2 năm qua, Đồng Nai đã đấu giá 3 khu đất, 1 khu được hơn 1 ngàn tỷ đồng và 1 khu gần 3,1 ngàn tỷ đồng. Trong năm 2021, tỉnh sẽ đấu giá tiếp một số khu đất lớn tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, TP.Long Khánh...
Nếu khai thác tốt quỹ đất có lợi thế, tỉnh sẽ không lo thiếu vốn cho những công trình đầu tư công ở các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý: “Nguồn vốn để đầu tư các công trình, dự án từ quy hoạch mà ra nên từng địa phương phải thuê các đơn vị tư vấn giỏi, dự báo được xu hướng phát triển trong 5-10 năm tới để quy hoạch đất đai, xây dựng phù hợp. Như vậy việc đấu giá đất vừa giúp tỉnh có thêm nguồn vốn đầu tư, vừa thu hút được những DN có năng lực về tài chính, kinh nghiệm đầu tư các dự án theo đúng quy định và tạo ra điểm nhấn cho từng đô thị”.
Những khu đất tạo vốn đa số được quy hoạch chi tiết 1/500 để làm các khu đô thị, khu dân cư kết hợp với thương mại dịch vụ, giáo dục. DN trúng đấu giá đất buộc phải triển khai dự án trong 2-4 năm, quá thời hạn trên sẽ bị thu hồi đất và không nhận được đền bù. Đây là ràng buộc để DN phải kịp thời triển khai dự án, đưa vào khai thác góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và tỉnh.