Cao Bằng: Tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

Thứ hai, 22/02/2021 07:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giao thông được coi là động lực trong phát triển KT - XH. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các chủ trương, giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nhất là kinh tế cửa khẩu.

Đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố được đầu tư đồng bộ, hiện đại

Cao Bằng là tỉnh có lợi thế về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu. Song, do sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch, vì vậy việc phát triển KT - XH của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa, việc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh chưa được đầu tư đúng mức do nguồn lực còn hạn hẹp.

Xác định giao thông có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển KT - XH, năm 2020, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn vốn, tăng cường xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nêu cao vai trò chủ chốt của người đứng đầu tập trung chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt trong các khâu về quy hoạch phát triển giao thông, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công các công trình đúng tiến độ; tích cực đôn đốc, giám sát nâng cao chất lượng các công trình.

Bố trí vốn cho các tuyến giao thông trọng điểm, giao thông liên kết vùng, giao thông phát triển kinh tế cửa khẩu, giao thông nội địa, đô thị và các tuyến đường vành đai biên giới nhằm củng cố, tăng cường an ninh biên giới quốc gia. Nhờ đó, trong năm 2020, giao thông được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều điểm sáng và bước đột phá mới ở địa phương.

Nổi bật là sau nhiều năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tỉnh chính thức động thổ Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 của Dự án có mức đầu tư trên 12,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 135 tỷ đồng/km). Tuyến cao tốc được đầu tư sẽ tạo tiền đề kết nối giao thông của tỉnh với các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh trong khu vực.

Cùng với Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), sau 10 năm triển khai với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với sự tập trung về nguồn lực, cuối năm 2020, tuyến đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng với 6 làn xe dành cho phương tiện ô tô và 4 làn đường 2 bên dành cho các loại xe thô sơ cùng với hệ thống vỉa hè, cây xanh, cống thoát nước, đèn chiếu sáng giao thông đồng bộ hiện đại bậc nhất hiện nay tại Cao Bằng.

Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT - XH của tỉnh và phát triển đô thị của Thành phố. Đồng thời, đóng vai trò xương sống trong kết nối các khu trung tâm đô thị lớn của Thành phố đó là phường Hợp Giang, Đề Thám và Cao Bình.

Bên cạnh đó, điểm nhấn trong phát triển hạ tầng giao thông năm 2020 của tỉnh còn phải kể đến Đường tỉnh 208 từ thị trấn Đông Khê (Thạch An) qua các xã: Bế Văn Đàn (Quảng Hòa), An Lạc, Đức Quang và thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) đến xã Chí Viễn (Trùng Khánh). Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế các huyện biên giới và bảo đảm củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành giai đoạn 1.

Ngoài ra, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến đường vào các khu du lịch trọng điểm như: đường vào động Dơi (Hạ Lang) đến Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh); cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 211 thành Quốc lộ 4A từ Km 204 Trùng Khánh - Km234 thị trấn Trà Lĩnh; cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 207, Đường tỉnh 216; các tuyến phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế cửa khẩu. Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của địa phương.

Giám đốc Sở GTVT Lã Hoài Nam cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện chủ trương, giải pháp phát triển hạ tầng giao thông; tập trung đầu tư phát triển các tuyến giao thông trọng điểm, giao thông kết nối vùng, phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa), Trà Lĩnh (Trùng Khánh), Sóc Giang (Hà Quảng) và một số cặp cửa khẩu, lối mở đáp ứng yêu cầu thông thương, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.

Làm tốt công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh phân bổ nguồn ngân sách đầu tư các công trình giao thông theo từng năm, giai đoạn phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.

Để thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược của tỉnh, trong đó có đột phá về giao thông cũng như tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, năm 2021, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Đề án phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; phân bổ và sử dụng hợp lý nguồn ngân sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các công trình giao thông có tính kết nối cao, đầu mối giao thông giữa các khu vực phát triển kinh tế, điểm du lịch trọng điểm.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, quy hoạch hệ thống giao thông, tập trung phát triển giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, phục vụ đắc lực phát triển KT - XH của tỉnh.

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)