Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ vận tải trong GRDP chiếm từ 6-8%. Tuy nhiên, đến năm 2020, con số này mới chỉ đạt 4,9%. Vì vậy, ngành GTVT đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nâng tỷ trọng trong GRDP.
2 tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn
kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho Quảng Ninh.
Quảng Ninh hiện đã phát triển đầy đủ 5 loại hình dịch vụ vận tải, gồm: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt, hàng không. Trong đó, vận tải đường bộ là tuyến huyết mạch, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đột phá trong suốt 5 năm trở lại đây với 135 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; 16 tuyến vận tải hành khách nội tỉnh; 11 tuyến xe buýt nội tỉnh; gần 2.000 phương tiện vận tải khách bằng taxi của 37 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có thêm 14 tuyến với 60 phương tiện của 8 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe điện, chủ yếu cung cấp dịch vụ, hoạt động trong các điểm tham quan du lịch.
Trước tiềm năng phát triển của vận tải đường bộ và mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Vận tải ôtô, triển khai các biện pháp khuyến khích, nâng cao chất lượng đội ngũ phương tiện, đa dạng hóa các loại hình vận tải, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách. Song song với đó là triển khai cơ chế giám sát thông qua việc siết chặt công tác quản lý, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, quyền lợi của hành khách...
Cùng với đó, để người dân, du khách đi lại an toàn, thuận lợi, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông, từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông, Sở GTVT đã làm tốt vai trò của mình trong quản lý và bảo trì các tuyến đường, phát hiện những tồn tại trong hạ tầng giao thông, kịp thời thực hiện bảo trì, sửa chữa, thay thế... nhất là các điểm gây mất an toàn giao thông.
Cùng với dịch vụ vận tải đường bộ, dịch vụ đường biển là một lợi thế chiến lược của kinh tế Quảng Ninh. Hiện đường biển của tỉnh đang đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.
Đến nay, Quảng Ninh có 11 dịch vụ cảng biển cơ bản, thuộc 3 nhóm: Dịch vụ công, dịch vụ kinh doanh trực tiếp, dịch vụ kinh doanh gián tiếp. Doanh thu dịch vụ cảng biển giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thương hiệu cảng biển Quảng Ninh chưa được khách hàng trong nước và trên thế giới biết đến, dẫn đến việc quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển trong thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bởi vậy, để phát huy tối đa giá trị của dịch vụ cảng biển, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, tập trung phát triển các dịch vụ logistics, đại lý tàu biển, vận tải đường biển, môi giới hàng hải, cung ứng tàu biển, kiểm đếm hàng hóa…
Sở GTVT cũng đã xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển, khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành, nghề tham gia vào các hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm đưa vào sử dụng các dự án, công trình hạ tầng kết nối quan trọng, như đường cao tốc, sân bay và các cảng biển mới.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại để xây dựng các cảng biển quan trọng như Nam Tiền Phong, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh; ưu tiên đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, trọng tâm là hình thành một số khu trung tâm logistics tại Quảng Yên, Móng Cái…
Cùng với dịch vụ vận tải đường bộ, đường biển, trên địa bàn tỉnh cũng đang ngày càng phát triển vận tải đường thủy nội địa và đường hàng không. Sở GTVT đã định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải kết hợp siết chặt các quy định về vận chuyển hành khách và hàng hóa, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông; quản lý chặt chẽ hoạt động tàu tham quan du lịch vịnh Hạ Long và các tuyến biển đảo được tăng cường; tổ chức niêm yết giá vé trên các tuyến, kiểm soát chặt chẽ giá cước vận tải trên địa bàn đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tập huấn cho người điều hành vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh vận tải...
Theo ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, định hướng đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ vận tải trong GRDP là 6-8%. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông, ngành GTVT sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành khác để khai thác tối đa hiệu quả của các dịch vụ vận tải sẵn có, nhất là dịch vụ cảng biển và dịch vụ vận tải hàng không.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận tải, nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hành khách. Đồng thời, đổi mới, áp dụng hiệu quả những cách làm hay để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.