Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Thạch An, Cao Bằng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thông qua việc huy động mọi nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuyến đường nông thôn tại xã Vân Trình (Thạch An) được đầu tư
Xác định việc phát triển hệ thống giao thông là yếu tố cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển KT - XH ở địa phương, huyện triển khai nhiều chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư thực hiện với mục tiêu là bê tông hóa, cứng hóa, nhựa hóa các tuyến đường nối liền huyện với xã, xã với các xóm, đường nội đồng; giao thông kết nối các vùng, miền, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Để triển khai hiệu quả Chương trình giao thông nông thôn, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về mục đích phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Những năm trở lại đây, các công trình giao thông nông thôn của huyện được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án và đặc biệt có sự tham gia đóng góp của nhân dân. Phong trào làm đường nông thôn được người dân chủ động tham gia sửa chữa, phát quang. Cùng với đó là việc tích cực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đầu tư xây dựng 21 tuyến đường nông thôn dài trên 30km với tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư hơn 49 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Đường cấp xã đầu tư xây dựng hơn 20km; đường xóm, đường nội đồng trên 10,2km; nâng cấp, cải tạo 4,674km, bằng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cấp trên 500 tấn xi măng bê tông hóa 13,185km đường ngõ xóm. UBND huyện giao gần 1,4 tỷ đồng cho các xã, thị trấn mua xi măng bê tông hóa 11,53km đường nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trình Đinh Xuân Chiến cho biết: Hiện, 9/9 xóm trong toàn xã có đường ô tô đến trung tâm xóm, trong đó 5 xóm được bê tông hóa. Đạt được kết quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân, phát huy nội lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, triển khai các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, dễ dàng vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nông sản.
Chương trình làm đường nông thôn ở huyện Thạch An là một trong những phong trào thiết thực, hiệu quả, được nhân dân tích cực ủng hộ và huy động nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở giao thông nông thôn của huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Xét về mạng lưới trên diện rộng thì mật độ giao thông nông thôn ở địa phương còn thấp; hệ thống đường nông thôn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay; giao thông nông thôn chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn từ hệ thống đường huyện đến nông thôn, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa...
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch An Hoàng Văn Thạch, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đạt hiệu quả là một trong những chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX nhiệm kỳ 2021 - 2025, nhất là các giải pháp đột phá thực hiện các chương trình mục tiêu và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trong đó, tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn lồng ghép nhiều nguồn vốn.
Thực hiện tốt cơ chế, chính sách Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp nguyên vật liệu và ngày công lao động làm đường bê tông xi măng; đầu tư, nâng cấp, mở mới đường liên xóm, liên xã, đường lâm nghiệp tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là đối với một số xã sáp nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế rừng và các mô hình kinh tế trang trại...