Thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT - XH, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.
Nhân dân xã Ngọc Côn (Trùng Khánh) làm đường bê tông nông thôn
Ðể triển khai hiệu quả chương trình, huyện phân công trách nhiệm cho từng cấp, đơn vị chuyên môn chỉ đạo thực hiện. Quá trình thực hiện, các xã, thị trấn huy động nguồn lực đúng và hợp lý với sức dân. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây mới 46,5km đường huyện, 34 tuyến đường xã với chiều dài 37,5 km, tổng kinh phí thực hiện 354,5 tỷ đồng.
Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế, huyện thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để phát triển, mở rộng các tuyến đường; các xã, thị trấn đã vận động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động sửa chữa và bê tông hóa các tuyến đường, ngõ xóm theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng thực hiện xây dựng GTNT, đường ra vùng sản xuất trên địa bàn.
UBND huyện huy động và hỗ trợ kinh phí 4,1 tỷ đồng; 2.783m3 cát, 4.523m3 đá, 1.549 tấn xi măng. Nhân dân đóng góp 11.930 ngày công lao động thực hiện 22,1km đường bê tông; đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng với số tiền 3 tỷ 600 triệu đồng xây dựng 34 cây cầu. Nhà nước hỗ trợ vật liệu dầm thép, dầm cột... với tổng số tiền 1 tỷ 586 triệu đồng,
Chí Viễn là một trong những xã thực hiện hiệu quả việc phát triển hệ thống GTNT. Giai đoạn 2016 - 2020, xã làm chủ đầu tư thực hiện 18 công trình với chiều dài trên 7.853m, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 7 tỷ 225 triệu đồng; nhân dân đóng góp hơn 182m3 cát, 335m3 sỏi và ủng hộ ngày công lao động trị giá trên 848 triệu đồng; hiến trên 3.000m2 đất xây dựng hạ tầng cơ sở. Bằng sự đóng góp của người dân và sự hỗ trợ của huyện, các tuyến đường xóm cơ bản đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa, thúc đẩy KT - XH phát triển. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn trên 18,45%...
Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện quản lý kinh phí, lập dự toán sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên; UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện theo định mức được giao với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng, từ đó kịp thời khắc phục, sửa chữa, bảo vệ kết cấu mặt đường, đất dành cho đường bộ dọc theo trục đường; các điểm bị sạt lở do mưa bão, các ổ gà, sụt lún... Bên cạnh đó, chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên các tuyến, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, không để ách tắc giao thông xảy ra... giúp cho các phương tiện tham gia giao thông thông suốt, liên tục tại 41km đường tỉnh; 139,5km đường huyện; 540,3km GTNT xã, thị trấn.
Quản lý và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn, huyện Trùng Khánh tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức và các biện pháp khác nhau như: Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, 250 hộ gia đình ký cam kết bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Huyện phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, vận động nhân dân xây dựng các công trình kiến trúc đúng quy định, bảo đảm đường thông, hè thoáng, an toàn cao nhất cho người tham gia giao thông...
Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân trên địa bàn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT - XH, quốc phòng - an ninh của địa phương, góp phần giảm nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã. Bên cạnh đó, Chương trình 135 lồng ghép với các chương trình, dự án khác giúp các xã vùng sâu, vùng xa ở Trùng Khánh phát triển đường giao thông. Các trung tâm cụm xã đều được nhựa hóa, giao thông phát triển tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đời sống bà con vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng lên.