Tỉnh Phú Thọ là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy trong khu vực miền Bắc, kết nối trung chuyển hàng hóa cho các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đã xác định kết nối các phương thức vận tải phải là khâu đột phá để tăng tốc phát triển lĩnh vực “dịch vụ hậu cần” - logistics trong nền kinh tế của tỉnh và khu vực, tuy nhiên trước yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ.
Loại hình vận tải đường sông có lợi thế giá rẻ.
Đầu mối giao thông quan trọng
Nhắc đến Phú Thọ chúng ta nghĩ tới Việt Trì - thành phố ngã ba sông - điểm giao nhau của 3 con sông lớn của nước ta: Sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Từ 3 con này, tỉnh có 4 tuyến vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia với tổng chiều dài 363,5km, bao gồm các tuyến: Việt Trì - Tuyên Quang (sông Lô); Việt Trì - Hà Nội (sông Hồng); Việt Trì - Yên Bái (sông Hồng); Việt Trì - Hòa Bình (sông Đà).
Phục vụ các tuyến vận tải ĐTNĐ này là 7 cảng thủy nội địa. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 41 bến khách ngang sông và 02 bến hành khách (bến hành khách trên đầm Ao Châu) đang hoạt động hiệu quả.
Cùng với đường thủy, hệ thống đường bộ trên địa bàn Phú Thọ là “kênh hậu cần” đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh cũng như khu vực. Toàn tỉnh hiện có gần 1.400km (62km đường cao tốc, 531km đường quốc lộ, 794km đường tỉnh) và trên 11.000km đường giao thông nông thôn, đường đô thị. Hệ thống đường bộ trải dài rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, kết nối cơ bản với các tuyến trục giao thông quốc gia, tạo sự liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận.
Xác định mạng lưới giao thông đường bộ là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội nên thời gian qua, tỉnh đã quan tầm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Chỉ tính giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã huy động đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và bảo trì 410km, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT ủy thác quản lý.
Ngoài đường bộ, đường thủy trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai, dài 75,025km (từ Km69+900 - Km144+750) chạy qua với 8 ga. Cùng với đó là 2 tuyến đường nhánh phục vụ Cảng và nhà máy là tuyến từ ga Tiên Kiên - Lâm Thao dài 2,9km phục vụ Nhà máy Supe Phốt phát, tuyến từ Cảng Việt Trì về ga Việt Trì dài 0,212km.
Hệ thống giao thông đa dạng với nhiều phương thức vận tải được chú trọng đầu tư đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách liên tục tăng và có bước tăng trưởng mạnh, nhất là vận tải hàng hóa.
Ông Lục Văn Hoa- Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết: Khối lượng hàng hoá vận chuyển giai đoạn 2011 - 2015 đạt 156.894 nghìn tấn; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 183.330 nghìn tấn (tăng 116% so với giai đoạn trước). Khối lượng hàng hoá luân chuyển giai đoạn 2011-2015 đạt 7.883.981 nghìn tấn.km; giai đoạn 2016-2020 đạt 17.858.527 nghìn tấn.km (tăng 226,5% so với giai đoạn trước).
Phương thức vận tải đường bộ luôn chiếm từ 65%/năm thị phần vận tải trở lên
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Cũng như các địa phương khác của cả nước, hiện nay đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ lực của tỉnh Phú Thọ. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, giai đoạn 2010 - 2019, phương thức vận tải đường bộ luôn chiếm từ 65%/năm thị phần vận tải trở lên nhưng để lĩnh vực vận tải đường bộ của tỉnh phát triển mạnh hơn thì vẫn còn không ít rào cản cần tháo gỡ.
Theo ông Lê Tiến Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Phú Thọ, Hiệp hội có 35 hội viên nhưng chỉ có hai doanh nghiệp vận tải hàng hóa, còn lại là vận tải hành khách. Một phần nguyên nhân là do lượng hàng hóa luân chuyển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; tỉnh cũng chưa phải là đầu mối để tập trung các xe vận chuyển. Các doanh nghiệp vận tải của Phú Thọ chủ yếu là nhỏ lẻ nên khả năng kết nối thực hiện Logistics hàng hóa từ kho đến kho để làm thủ tục cho các doanh nghiệp vận tải không có, chủ yếu tập trung vào các cá nhân, các hộ kinh doanh cá thể nên cơ bản là họ tự vận động là chính. Hiệp hội Vận tải Phú Thọ hiện rất khó mời các thành viên nếu như không có sự điều tiết của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh những khó khăn “mềm” nêu trên thì lĩnh vực vận tải đường bộ của tỉnh vẫn còn những rào cản về hạ tầng. Là tỉnh miền núi nên hạ tầng giao thông đường bộ của Phú Thọ thường xuyên chịu tác động bởi các yếu tố đặc thù của địa hình, thời tiết, thường xuyên phải duy tu, sửa chữa, với nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên, hiện kinh phí duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh rất thấp (40 triệu đồng/km/năm). Đó là chưa kể, đối với hệ thống đường giao thông nông thôn, trong hơn 11.000km hiện có thì chỉ mới có trên 70% được cứng hóa.Đối với đường sắt, dù hệ thống ga (8 ga) được phân bố tương đối hợp lý nhưng số lượng đường còn thiếu, chiều dài đường quá ngắn khiến năng lực chuyên chở bị giới hạn. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống đường sắt trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ lâu, với khổ đường 1.000mm, tốc độ chạy tàu vì thế không cao (Vmax = 60km/h, một số đoạn Vmax chỉ đạt 45km/h).
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Phú Thọ sẽ huy động khoảng 41.000 tỷ đồng, bình quân 4.000 tỷ đồng/năm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai quy hoạch xây dựng một số cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy... để tăng cường kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo người dân sinh sống hai bên bờ sông.
|
Ông Nguyễn Đức Thiện, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Việt Trì cho biết, hàng hóa truyền thống của vận tải đường sắt qua Ga Việt Trì lên ga Xuân Giao (Lào Cai) chủ yếu là khoáng sản; từ Xuân Giao về Việt Trì (chủ yếu là xỉ) sau đó xuống tàu sông qua Cảng Việt Trì. Từ Ga Việt Trì xuống Cảng Việt Trì cũng có đường sắt phục vụ nhưng do đoạn đường ngắn, thủ tục bốc dỡ hàng hóa lại khá phức tạp nên các doanh nghiệp luôn chọn phương thức vận tải đường bộ.
Đối với đường thủy, mặc dù có lợi thế, nhất là cạnh tranh về giá cước nhưng việc khai thác lợi thế này đang có nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Hào Hưng - Đoan Hùng (Cảng Hào Hưng) dẫn chứng: “Như hàng hóa từ Hà Giang (khoáng sản), nếu vận chuyển thẳng bằng đường bộ xuống Hải Phòng, Quảng Ninh thì chi phí rất lớn nhưng nếu vận chuyển bằng đường bộ xuống Đoan Hùng, qua Cảng Hào Hưng rồi vận chuyển bằng tàu thủy về Hải Phòng, Quảng Ninh thì chi phí chỉ bằng 1/4 cước vận chuyển đường bộ. Tuy nhiên, cái khó ở đây là vận tải đường sông phụ thuộc vào nước lên, nước xuống, luồng lạch, hơn nữa hạ tầng hiện nay chưa cho phép tàu lớn lên Đoan Hùng”.
Những rào cản mà người trong cuộc chia sẻ là một thực tế đòi hỏi ngành GTVT tỉnh cần có chiến lược để tham mưu, đề xuất phương án tháo gỡ. Trong đó, bên cạnh việc khắc phục những rào cản về cơ chế, chính sách thì quan trọng nhất là phải xây dựng tầm nhìn dài hạn về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối các phương thức vận tải, xem đây là khâu đột phá để mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.