Dự án xây dựng tuyến đường đôi phía Nam vào TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã có chủ trương đầu tư từ lâu. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên đến đầu năm 2021 dự án mới được triển khai thi công. Hiện nay, các đơn vị, địa phương và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các hạng mục để phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay, góp phần xây dựng đô thị Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng văn minh, hiện đại.
Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp-đơn vị chủ đầu tư, tuyến đường đôi phía Nam có tổng kinh phí đầu tư gần 504 tỷ đồng, thực hiện nâng cấp chiều dài tuyến đường trên 2,5 km từ cầu Đạo Long 1 đến ngã ba Long Bình, trên cơ sở mở rộng đường hiện hữu từ 11m thành 37m. Trong đó, mặt đường rộng 21m, có dải phân cách giữa rộng 3m, vỉa hè hai bên đường rộng 13m; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh và xây dựng mới cầu Từ Tâm, cầu Long Bình. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng hạng mục Khu tái định cư rộng 4,22ha, với khoảng 182 lô đất để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng.
Dự án được triển khai trên 2 địa bàn gồm phường Đạo Long (TP. Phan Rang - Tháp Chàm và xã An Hải (huyện Ninh Phước). Hiện nay chủ đầu tư dự án cùng các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương và các nhà thầu thi công đang tập trung quyết liệt triển khai thi công công trình và đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để cuối năm 2021 có thể hoàn thành cơ bản công trình, thông xe kỹ thuật.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (đơn vị chủ trì thực hiện công tác bồi thường dự án) đến nay về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã và đang triển khai khẩn trương để đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Bên cạnh đó chủ đầu tư cùng với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các ngành liên quan cũng đang tiếp thu, tổng hợp các ý kiến kiến nghị của người dân trong quá trình triển khai dự án để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Công ty TNHH Xây dựng Thăng Long (đơn vị chủ thầu)
thực hiện thi công san nền khu tái định cư của dự án.
Đại điện đơn vị chủ đầu tư cho biết: Về tiến độ thi công dự án, hiện khu tái định cư đã thi công cơ bản hoàn thành hạng mục san nền, đang triển khai hạng mục mương thoát nước, gồm hệ thống thoát nước dọc, cống thoát nước ngang đường tại cầu An Thạnh. Đang triển khai thi công khoan và đổ bê tông cốt thép cọc nhồi tại chân cầu Long Bình. Đối với các cấu kiện bê tông đúc sẵn (gối cống, cống, bó vỉa hè) cơ bản các nhà thầu đã thi công hoàn thành, chờ mặt bằng, vận chuyển và lắp ráp. Khó khăn nhất hiện nay đó là công tác di dời các công trình hạ tầng gồm điện, nước, cáp viễn thông ra ngoài phạm vi đất của dự án để thực hiện việc thi công xây dựng công trình. Bởi qua kết quả kiểm tra và kết luận của cơ quan chức năng, việc di dời hạ tầng này không đủ điều kiện để được hỗ trợ, bồi thường theo quy định; các đơn vị có công trình hạ tầng phải chủ động tổ chức di dời. Chủ đầu tư sẽ phối hợp hỗ trợ và chỉ đạo các đơn vị thi công cho phương tiện máy móc hỗ trợ di dời, để hoàn thành công việc chung. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 đơn vị chấp thuận và đang tổ chức thực hiện di dời. Các đơn vị còn lại gặp khó khăn về kinh phí thực hiện, đang kiến nghị, xin ý kiến của cấp thẩm quyền nên chưa tổ chức thực hiện.
Dự án tuyến đường đôi phía Nam vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần phát triển đô thị của tỉnh Ninh Thuận. Sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông do nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng tăng; giải quyết tình trạng ngập úng trong mùa mưa lũ và thu gom nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực hai bên tuyến đường; góp phần phát triển kinh tế của địa phương, thu hút đầu tư và tăng giá trị quỹ đất trong khu vực dự án...
Việc triển khai thi công dự án nhanh hay chậm đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan cùng sự đồng thuận ủng hộ của người dân. Để dự án thi công kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra, các đơn vị, người dân cần tạo điều kiện, sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.