Hà Giang là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt bởi những dãy núi cao, khe sâu, cho nên việc đầu tư làm đường giao thông nông thôn gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp. Ðể làm đường giao thông, những năm qua, Hà Giang đã có cách làm sáng tạo, lồng ghép nhiều nguồn lực theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Người dân xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên đóng góp
ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh vùng cao gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên khó khăn nhất là việc hoàn thiện tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn. Do đó, trong giai đoạn 2017-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã triển khai đề án "Một triệu tấn xi-măng" phục vụ xây dựng NTM. Ðây được coi là điểm nhấn trong việc huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho các xã hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó chủ yếu là đường giao thông. Phương thức thực hiện là Nhà nước hỗ trợ xi-măng và một phần vật liệu, người dân hiến đất, góp tiền mua vật liệu và ngày công lao động".
Thôn Phìn Sả, xã Sính Lủng, huyện Ðồng Văn có hơn 40 hộ đồng bào H’Mông. Khi chưa có đường bê-tông, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong ngày họp dân để thông báo về chương trình hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn theo đề án "Một triệu tấn xi măng" của tỉnh, cả thôn vui mừng ủng hộ. "Ðược Nhà nước hỗ trợ xi-măng để làm 1,3 km đường, bà con trong thôn tự nguyện đóng góp thêm tiền để làm tuyến đường dài 1,7 km vào tận trung tâm các xóm. Những con đường này hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của người dân, nhất là việc đi lại, học tập của các cháu học sinh", trưởng thôn Phìn Sả, Giàng Sính Dế vui vẻ cho biết.
Không chỉ ở thôn Phìn Sả, đề án "Một triệu tấn xi-măng" đã đáp ứng được nhu cầu và mong mỏi của người dân và chính quyền các cấp. Giai đoạn 2017-2020, cả tỉnh Hà Giang như một công trường lớn với sự tham gia tích cực của cả bộ máy chính quyền và nhân dân mở đường về các bản. Ðến cuối năm 2020, tỉnh huy động được gần 400 tỷ đồng để mua xi-măng phân bổ cho các địa phương, két quả đã thực hiện được 1.787 km đường bê-tông các loại. Cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, Hà Giang cũng quan tâm xã hội hóa làm đường giao thông. Ðể nêu gương, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã tự nguyện đóng góp xi măng giúp các xã làm các công trình NTM.
Từ sự nêu gương của những cán bộ đứng đầu tỉnh, phong trào chung sức xây dựng NTM ở tỉnh Hà Giang được các huyện, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hưởng ứng. Tiêu biểu như việc làm đường giao thông vào thôn Trù Sán, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc. Thôn có 29 hộ dân tộc H’Mông nằm cách trung tâm xã hơn 12 km. Ðến cuối năm 2018, gần 4 km đường vào thôn vẫn là đường mòn, chạy qua những vách đá hiểm trở. Trước thực trạng đó, huyện Mèo Vạc đã vận động cán bộ các cơ quan, đoàn thể của huyện chung sức mở đường vào Trù Sán, đây là công trình điểm trong phong trào "Ngày thứ bảy cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM".
Nhiều tháng liền, cứ đến ngày thứ bảy, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, lực lượng vũ trang huyện Mèo Vạc vượt hơn 60 km đường núi vào xã biên giới Sơn Vĩ để mở đường Trù Sán. Sau 5 tháng thi công, huyện huy động gần 3.000 ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp, tạo nền đường. Ðồng thời, vận động các nhóm từ thiện hỗ trợ gần một tỷ đồng để đổ bê-tông toàn tuyến. Cuối năm 2019, tuyến đường bê-tông vào thôn hoàn thành trong niềm vui mừng, hạnh phúc của người dân địa phương. Còn tại xóm Sính Tủng Chứ, xã Thài Phìn Tủng, huyện Ðồng Văn, dù cuộc sống của 20 hộ dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân đã tình nguyện góp tiền, hiến đất, góp ngày công làm đường. Các hộ đã tự nguyện đóng góp 379 triệu đồng để thuê máy ủi, đánh đá mở mới tuyến đường nối từ quốc lộ 4C vào trung tâm xóm với chiều dài gần 2 km, tạo thuận lợi đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng.
Từ thành công trong công tác huy động nguồn lực, cùng sự chung sức của nhân dân, hiến hơn ba triệu mét vuông đất để mở đường và các công trình phúc lợi xã hội, đóng góp gần ba triệu ngày công để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu là mở đường giao thông nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hà Giang đã nâng cấp và làm mới được hơn 6.000 km đường giao thông nông thôn các loại (trong đó có hơn 2.500 km đường bê tông). Ðến cuối năm 2020, tỉnh đã có 43 xã hoàn thành xây dựng NTM; tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn được bê-tông hóa đạt gần 40%.
Mặc dù việc đi lại đã có nhiều cải thiện nhưng thực tế thì hệ thống đường giao thông nông thôn ở Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xóa đói, giảm nghèo của người dân. Ðáng chú ý là tại thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên có gần 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, đây là vùng chè được đánh giá chất lượng cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, điểm yếu duy nhất tại vùng chè này đó là đường giao thông từ xã lên thôn, từ thôn lên vùng trồng chè hết sức khó khăn.
Bí thư Chi bộ thôn Lùng Tao Ðặng Văn Quang cho biết, để có được sản phẩm chè ngon thì thời gian từ khi thu hái đến khi vào nhà xưởng sản xuất phải nhanh, chất lượng chè mới thơm ngon. Thế nhưng, người dân trong thôn mất mấy tiếng đồng hồ đi bộ mới lên đến rừng chè tận trên núi cao để thu hái và cũng từng đó thời gian để gùi chè về trung tâm thôn giao cho các cơ sở chế biến. Do vậy, nhiều khi chè về đến xưởng bị úa, không còn tươi cho nên chất lượng và giá trị sản phẩm bị ảnh hưởng.
Xác định rõ những khó khăn về đường giao thông là "nút thắt" cần tháo gỡ để tỉnh phát triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Giang Lê Minh Ðức cho biết, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá trong giai đoạn 2020-2025. Ðối với đường giao thông nông thôn, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tất cả các thôn bản ở xã biên giới có đường giao thông đạt tiêu chí NTM. Hiện tại, tỉnh Hà Giang và các địa phương đang xây dựng kế hoạch và huy động nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên.