Thừa Thiên Huế yêu cầu lập hồ sơ quản lý lối đi tự mở qua đường sắt, không để phát sinh lối tự mở mới, đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt
giữa đường bộ với đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh tư liệu
Ngày 9/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch thực hiện việc thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở và các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông (ATGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu trong năm 2021 phải hoàn thành việc lập hồ sơ và tổ chức quản lý vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở.
Tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt; lối đi mà 2 bên đường sắt đã có đường dẫn ra các tuyến đường bộ hoặc các điểm giao cắt khác.
Thu hẹp chiều rộng xuống dưới 3 mét đối với toàn bộ các lối đi tự mở có chiều rộng từ 3 mét trở lên (nếu có).
Đến năm 2025, xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt.
Lối qua đường sắt khá dốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, TNGT đoạn qua TP Huế
UBND, Ban ATGT các huyện Phong Điền, Phú Lộc, TX Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế chủ trì, phối hợp với Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, Đội Thanh Tra Số 7- Cục Đường sắt và các đơn vị liên quan thực hiện việc lập và quản lý Hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt và Hồ sơ quản lý lối đi tự mở qua đường sắt; thực hiện các biện pháp kiềm chế không để phát sinh lối đi tự mở mới.
“Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã và TP Huế chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để phát sinh lối đi tự mở. Hằng năm tổ chức rà soát, lập danh sách các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý và đề xuất các biện pháp, lộ trình giảm, xóa bỏ lối đi tự mở trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh. Chủ trì thực hiện việc quản lý vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt và thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đường sắt tại các vị trí nguy hiểm. Thực hiện các biện pháp tạm thời để đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở chưa thể xóa bỏ ngay”, tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể ở địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Nhiều đường ngang trên tuyến đường sắt đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ngành Đường sắt đầu tư
nâng cấp từ đường ngang phòng vệ biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn.
Thực hiện hiệu quả Công văn số 5738/2020/UBND-GT của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phương án phối hợp với Bộ GTVT xây dựng các đường gom, đường ngang, nút giao khác mức để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.
Sở Tài chính căn cứ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung và khả năng cân đối kinh phí ngân sách tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thường xuyên hỗ trợ công tác đảm bảo ATGT đường sắt nhằm thu hẹp, giảm và xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Sở KH&ĐT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng các đường gom, đường ngang, nút giao khác mức có nguồn vốn là vốn đầu tư công tư ngân sách tỉnh...