Khánh Hòa: Xóa nút thắt trên tuyến Mỹ Ca - Cam An Nam

Thứ hai, 02/08/2021 10:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Lâu nay, người dân khi đi trên đường Mỹ Ca - Cam An Nam (TP. Cam Ranh - huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) thường khá lo lắng. Lý do là cầu Nghĩa Phú và 2 cống bản trên tuyến đều có bề rộng nhỏ hơn so với mặt đường, tạo thành những nút thắt cổ chai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Khánh Hòa đã quyết định nâng cấp, sửa chữa những nút thắt này.

Những nút thắt cổ chai

Đường Mỹ Ca - Cam An Nam có chiều dài 7,3km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1500+370 (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) và điểm cuối giao với đường Lập Định - Suối Môn (xã Cam An Nam - huyện Cam Lâm). Những năm qua, từ nguồn vốn bảo trì đường bộ, tuyến đường này đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp mở rộng thành đường cấp V, mặt đường rộng từ 3,5m đến 8m, kết cấu mặt đường nhựa, một số đoạn là đá dăm láng nhựa, bê tông xi măng. Đây là trục đường chính trong khu vực, lưu lượng phương tiện ngày càng tăng, nhiều loại xe có tải trọng lớn thường xuyên ra vào mỏ đá Hòn Rồng; xe phục vụ mùa vụ của người dân trong vùng cũng có mật độ lưu thông dày đặc. Qua nhiều năm khai thác, một số đoạn tuyến trên đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng; nhiều cầu trên tuyến có tải trọng yếu không đủ năng lực để phục vụ, khổ cầu hẹp chưa phù hợp với khổ nền đường hiện hữu. Điển hình như cầu cống bản tại Km4+025, cầu Nghĩa Phú tại Km4+965, cầu bản tại Km5+770, các cầu này có khổ cầu hẹp chỉ từ 4,5 đến 5,5m, tải trọng thiết kế 10T. Cầu không có lan can tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.


Phá dỡ cống bản đã xuống cấp trên đường Mỹ Ca - Cam An Nam để xây dựng cống mới.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) cho biết, nhiều năm qua, cầu Nghĩa Phú nằm ở khu vực trũng thấp, mùa mưa nước đổ dồn về khu vực này chảy ra một tuyến kênh. Tuy nhiên, đôi khi nước chảy quá nhiều chưa kịp thoát, gây ra ngập cục bộ phía hạ lưu cầu. Không chỉ vậy, nền đường dẫn của cầu rộng rãi, nhưng mặt cầu lại nhỏ hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai rất nguy hiểm, rất mong chính quyền các cấp sớm có hướng khắc phục những bất cập này.

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ cầu Nghĩa Phú mà 2 cống bản lớn trên tuyến cũng có tình trạng tương tự. Bề mặt cống đều nhỏ hơn so với mặt đường, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Do đó, việc đầu tư sửa chữa các cầu trên là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng khai thác cho các phương tiện lưu thông và góp phần nâng cao tuổi thọ tuyến đường, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xây mới phù hợp với nền đường hiện hữu

Ông Phan Châu Vinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn, Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, các cầu, cống hiện trạng trên tuyến đã xây dựng từ năm 2008, tải trọng thiết kế thấp (chỉ 10 tấn). Do đó, không thể tăng cường kết cấu để khai thác với tải trọng phương tiện trên tuyến theo quy định là 30 tấn. Vì vậy, cần tháo dỡ các cầu, cống này để xây dựng cầu mới. Các cầu, cống thiết kế với quy mô vĩnh cữu bằng bê tông cốt thép; khổ cầu, cống được thiết kế phù hợp với khổ nền đường hiện hữu 9m. Tổng mức đầu tư công trình khoảng 6 tỷ đồng.

Theo đơn vị tư vấn thiết kế, cầu Nghĩa Phú sẽ được xây dựng mới với cống hộp 3 khoang, mỗi khoang có kích thước 3,5m x 4,5m, bề rộng mặt cống 9m. Đồng thời, sẽ xây dựng đường dẫn dài tổng cộng 53m, vuốt nối vào đường láng nhựa hiện hữu, bê tông mặt đường thay đổi từ 6m đến 8m, có lề gia cố từ 0,5m đến 1,5m. Ngoài ra, cống cũng được gia cố bằng mái taluy kiên cố bảo đảm cho kết cấu và dòng chảy. 2 cống còn lại cũng sẽ được đập bỏ và xây dựng mới, phù hợp với nền đường hiện hữu.

Được biết, Sở GTVT Khánh Hòa đã giao cọc mốc công trình cho nhà thầu và đang thực hiện tháo dỡ cầu cũ. Dự kiến công trình thực hiện xong trước mùa mưa lũ năm nay để đưa vào khai thác.


 

hoavt

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)