Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn chạy len lỏi cắt ngang thành phố, giúp phát triển giao thông thủy nội địa và dịch vụ đô thị.
Bao bọc thành phố là hệ thống sông Đồng Nai - Lòng Tàu - Soài Rạp, là luồng vận chuyển hàng hóa, phát triển hệ thống cảng biển chính của cả vùng. Với tiềm năng to lớn này, các cấp, các ngành đang nỗ lực khai thác để thành phố ven sông ngày càng phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy hoạch, phát triển đồng bộ
để khai thác lợi thế từ các hệ thống sông mang lại.
Chưa khai thác hết lợi thế
Sông Sài Gòn chạy qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh dài 80km, là trục giao thông thủy nội địa quan trọng nối từ luồng đường thủy của vùng Đông Nam Bộ đến tận những địa phương vùng xa như huyện Củ Chi. Chị Nguyễn Thị Tuyến (ngụ đường Nguyễn Tất Thành, quận 4) chia sẻ: “Sông Sài Gòn chảy trong lòng thành phố, rất thuận lợi cho phát triển buýt sông cũng như du lịch sông nước. Nhưng sự phát triển không đồng đều hạ tầng đường sông đã hạn chế lợi thế này”.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, các dịch vụ du lịch cảnh quan, ẩm thực dọc con sông chưa được đầu tư bài bản và đồng đều; tình trạng lấn chiếm hành lang sông phổ biến khiến ngành du lịch chưa khai thác hết lợi thế để thu hút khách.
Còn theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã, quy hoạch dọc hai bờ sông thiếu đồng bộ bởi quá trình phát triển đô thị chưa có thiết kế khoa học. Đơn cử như tại khu vực Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) là hệ thống các dãy biệt thự, nhà hàng ăn uống, khách sạn sang trọng thì đối diện bên kia sông là khu bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) khá hoang sơ, các hàng quán tự phát, lấn chiếm bờ sông.
Bờ phía Đông của thành phố là sông Đồng Nai, qua địa phận huyện Nhà Bè, sông chia làm hai nhánh: Nhánh phía Tây là sông Soài Rạp chảy ra cửa Soài Rạp, nhánh phía Đông là sông Lòng Tàu. Theo Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh, sông Lòng Tàu là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng, nơi các tàu từ Biển Đông đi qua cửa sông Ngã Bảy vào cập cảng Sài Gòn. Còn sông Soài Rạp hiện được nạo vét đến độ sâu -9m để cảng Hiệp Phước có thể đón được tàu 50.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, luồng Soài Rạp bồi lắng khiến cảng biển khu vực Hiệp Phước gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các tàu lớn...
Đánh thức tiềm năng
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng cần sớm có quy hoạch ven sông để chỉnh trang đô thị bài bản. Trong đó, việc tổ chức khai thác kinh tế dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, hướng đến “đô thị sông nước”.
Còn Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng thành phố Hà Ngọc Trường nhận định, đối với hệ thống sông kết nối là sông Đồng Nai cùng Soài Rạp và Lòng Tàu nếu được nạo vét, xây dựng, cải tạo đồng bộ luồng lạch sẽ phát huy vai trò chủ đạo trong vận chuyển hàng hóa cho hệ thống cảng biển không chỉ với thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Nhìn rõ những lợi thế trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã trình UBND thành phố dự thảo quyết định ban hành đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045, kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025. Theo đó, khu vực sông Sài Gòn đi qua khu trung tâm thành phố rộng 930ha, cần được ưu tiên triển khai giai đoạn 2020-2045.
Về lộ trình thực hiện, từ nay đến trước năm 2025, cần xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng dọc sông Sài Gòn như làm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ ven bờ kè, xây dựng không gian công viên cây xanh và quảng trường đô thị. Từ năm 2025 đến 2045, triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí theo kế hoạch.
Đối với các luồng sông phát triển vận tải biển, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Chính phủ đã có chủ trương di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành để phát triển cụm cảng Hiệp Phước, gồm 4 cảng lớn nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm: Cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An. Trong quy hoạch, cảng thành phố sẽ là cảng loại 1 với luồng tàu biển chính là Soài Rạp.
Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải thành phố Nguyễn Hải Nam, công tác nạo vét duy tu luồng Soài Rạp trước đây được UBND thành phố thực hiện theo cơ chế thí điểm. Sau khi giai đoạn thí điểm kết thúc, Thủ tướng Chính phủ giao lại cho Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục thực hiện duy tu luồng để cụm cảng này góp phần lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế vùng rộng lớn gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... "Lòng sông sẽ tiếp tục được nạo vét đến độ sâu -12m để đón được tàu 70.000 tấn, xứng tầm hệ thống cảng biển quốc tế lớn và hiện đại của Việt Nam", ông Nguyễn Hải Nam nói.