Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm cảng, cầu cảng, bến thủy nội địa, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường rà soát những dự án đã được chấp thuận đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, để dự án nhanh chóng đưa vào khai thác; đồng thời, các ngành và địa phương tăng cường quản lý các bến thủy, cầu cảng tự phát, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Cảng của Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn được xây dựng hiện đại,
có thể điều chỉnh hệ thống rót vật liệu xây dựng xuống khoang tàu.
Theo tổng hợp của các ngành chức năng và địa phương, toàn tỉnh hiện có hơn 20 dự án cảng và bến thuỷ nội địa có tổng diện tích sử dụng hơn 169 ha, với số vốn đầu tư đăng ký trên 5.300 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đã thực hiện đạt 32,9%. Trong số trên đã có: 5 dự án có trong quy hoạch cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; 12 dự án cảng đã đưa vào khai thác sử dụng; 2 dự án đang tạm dừng do không được sự đồng thuận của nhân dân tại khu vực; còn lại các dự án khác đang trong quá trình triển khai xây dựng, hoàn thiện thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng. Các dự án cảng trên sông Đáy, sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam được quy hoạch theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, trên sông Hồng quy hoạch các cảng phục vụ tuyến vận tải sông pha biển, bốc xếp container, các loại hàng hóa có trọng tải lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên sông Đáy, quy hoạch cảng phục vụ các loại xà lan, tàu thuyền dùng để chuyên chở vật liệu xây dựng, xi măng, xăng dầu, than. Ưu tiên quy hoạch xây dựng cảng, cụm cảng dùng chung, hạn chế tối đa việc mở cảng nhằm tiết kiệm đất.
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng xong cầu cảng và đưa vào sử dụng hiệu quả. Cụ thể như: Công ty cổ phần Nam Hà đã xây dựng được 14 cầu cảng bằng bê tông có hệ thống mái vòm che chuyên rót vật liệu xây dựng xuống tàu; Công ty TNHH Sơn Hữu đang xây dựng 5 vị trí cầu cảng tập trung, trong đó có 2 vị trí đã đi vào hoạt động được xây dựng vòm che; cầu cảng của Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn được thiết kế hiện đại, tự động điều chỉnh vật liệu xuống khoang tàu, bảo đảm hạn chế ô nhiễm môi trường…
Ông Trương Minh Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hà cho biết: Thiết kế cầu cảng tập trung phải bảo đảm các yếu tố về chiều cao, khoảng cách để không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy của sông và quá trình ra vào của tàu thuyền cũng như ô tô ở trên bờ đổ vật liệu xây dựng phải thuận tiện nên đã kéo dài tiến độ thi công. Đến nay, doanh nghiệp đã làm một vòm che, hệ thống xử lý môi trường ở các vị trí cầu cảng. Trong quá trình sử dụng công ty sẽ điều chỉnh sửa chữa phù hợp, bảo đảm hạn chế thấp nhất lượng bụi phát tán ra môi trường.
Thực tế cho thấy, việc thu hút các dự án xây dựng cụm cảng dùng chung, dự án bến thủy nội địa vào địa bàn sẽ hạn chế được cầu cảng tự phát trên sông; giảm giá thành chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa; giảm được mật độ giao thông trên các tuyến đường bộ và bảo vệ được kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cảng và bến thủy nội địa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn triển khai quá chậm. Trong tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư xây dựng của các bến thủy và cầu cảng, đến thời điểm này mới thực hiện đạt 32,9% so với tổng vốn đăng ký. Một số doanh nghiệp nhận đất song mới triển khai thiết kế mẫu cảng, kè bờ sông, chưa thi công cầu cảng, mặc dù cam kết đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành.
Việc xây dựng cảng dùng chung chậm trễ dẫn tới các doanh nghiệp phải xin thời gian gia hạn hoàn thành và vẫn phải dùng cầu cảng phao nổi để trung chuyển vật liệu xây dựng từ đường bộ xuống đường thủy. Đối với một số doanh nghiệp đã xây dựng xong cầu cảng, trong quá trình khai thác vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khi cấp vật liệu xây dựng xuống tàu, lượng bụi lớn phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và phải điều chỉnh lại thiết kế. Đối với một số cụm cảng ven sông Hồng, sông Đáy đến thời điểm này còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, các thủ tục đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, trên các sông khu vực Hà Nam còn hàng chục cầu cảng, bến vật liệu xây dựng tự phát ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua, song chính quyền các xã, thị trấn vẫn không xử lý.
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, trong các loại cước vận chuyển thì đường thủy có giá thấp nhất. Nhiều doanh nghiệp khai thác chế biến đá cạnh tranh bằng giá cước vận chuyển vật liệu xây dựng. Đặc biệt, thời gian qua việc tăng cường quản lý tải trọng trên đường bộ, thì nhiều doanh nghiệp lại chọn đường thủy để vận chuyển hàng hóa nên việc xây dựng cầu cảng dùng chung là phù hợp. Tuy nhiên, khi cầu cảng dùng chung chưa xong, thì nhiều doanh nghiệp phải dùng cầu cảng tự phát, mới duy trì được sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, phần lớn vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp khai thác chế biến đá dọc sông Đáy khu vực huyện Thanh Liêm chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy. Khi cầu cảng tập trung chưa xây dựng xong mà đã phá bỏ cầu cảng tự phát thì các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Về lâu dài, để bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất khai thác chế biến vật liệu xây dựng, UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng dùng chung. Đồng thời, các cấp, các ngành tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và có giải pháp chỉ đạo doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng dùng chung. Tránh tình trạng có những doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian xây dựng cảng dùng chung, vẫn sử dụng cầu cảng phao nổi để cho doanh nghiệp khác thuê kiếm lời, gây ô nhiễm môi trường./.