Hà Nội lắp đặt thêm 70 điểm dừng xe buýt tiêu chuẩn châu Âu

Thứ tư, 20/10/2021 08:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các điểm dừng xe buýt tiêu chuẩn châu Âu sẽ kết nối hệ thống bóng điện chiếu sáng vào ban đêm để thuận lợi cho hành khách đọc thông tin tuyến...

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (TRAMOC) vừa báo cáo Sở GTVT phương án nhân rộng thí điểm mẫu biển báo mới tại điểm dừng xe buýt.

Trước đó, TRAMOC đã lắp đặt thí điểm mẫu biển báo mới tại số 1 Kim Mã (Ba Đình). Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy hành khách đánh giá cao sự thuận tiện, thiết kế hiện đại, nội dung rõ ràng của biển báo.

Điểm dừng xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu
đang được lắp đặt thí điểm tại số 1 Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội)

Để nhân rộng mô hình lắp đặt này, thời gian qua TRAMOC đã phối hợp với Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) tiến hành kiểm tra khảo sát và lựa chọn được 70 vị trí phù hợp.

Cụ thể, 70 vị trí điểm dừng được khảo sát đi theo các trục, tuyến đường như sau: Trục đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự (11 điểm); trục đường vành đai 2 Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - Láng - Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ (15 điểm); trục đường vành đai 3 Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng (24 điểm); Láng - Bưởi - Võ Chí Công (3 điểm) - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu (8 điểm); Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (9 điểm).

“Các vị trí điểm dừng khảo sát được lựa chọn là 70 vị trí nằm trong khu vực tuyến đường nội thành có đủ các điều kiện lắp đặt bởi vỉa hè rộng tối thiểu 3m trở lên, vị trí thông thoáng không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình phụ cận xung quanh, gần các trường học, trung tâm thương mại, khu dân cư, thuận lợi cho việc lắp đặt và đi lại của hành khách”, Tramoc nêu.

Được biết, mẫu thí điểm biển báo mới điểm dừng khác mẫu biển báo hiện tại là các thông tin lộ trình tuyến được lắp đặt hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, có hệ thống bóng điện chiếu sáng vào ban đêm để thuận lợi cho hành khách đọc thông tin tuyến và xe buýt khi ra vào điểm dừng, nguồn điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình UBND TP. Hà Nội việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận huyện nội thành theo hình thức đối tác công tư.

Theo đó, Sở GTVT dự kiến đầu tư, xây dựng và lắp đặt mới 600 nhà chờ xe buýt tại 12 quận nội thành. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; lắp đặt 1200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Dự án có tổng vốn đầu tư là gần 1 nghìn tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong 7 năm và thời gian hoạt động là 20 năm.

"Việc thực hiện dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên giải phân cách tại 12 quận huyện nội thành theo hình thức đối tác công tư, phù hợp trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế khi mà nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư tất cả các hạng mục công trình. Sau đó kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn, thời gian dự kiến thu hồi vốn là 20 năm", tờ trình của Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.

Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, nhằm tăng cường tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đồng thời, sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên các dải phân cách một cách đồng bộ, khoa học, hiện đại và văn minh.

P.V

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)