Vĩnh Phúc: Quản lý chặt hoạt động vận tải liên tỉnh

Thứ năm, 25/11/2021 10:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trước tình trạng một số lái xe, phụ xe liên tỉnh trở về địa phương không khai báo trung thực, không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị, địa phương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là hoạt động vận tải liên tỉnh, bởi đây là một trong những con đường dịch xâm nhập vào địa bàn rất lớn.


Công an huyện Tam Dương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT 
và phòng, chống dịch Covid-19 đối với các phương tiện vận tải

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ vận tải Yên Lạc, huyện Yên Lạc chuyên vận tải hàng hóa đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với hàng chục đầu xe và hơn 20 lái xe, phụ xe, nhân viên xếp dỡ hàng, mỗi ngày, trung bình HTX có 4 - 5 chuyến hàng chở các các sản phẩm đồ gỗ đi các tỉnh, thành phố, trong đó, có cả các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đơn vị xác định công tác phòng, chống dịch có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của HTX. Bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền về các quy định phòng, chống dịch; trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn, khẩu trang; tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 100% lái xe, phụ xe và công nhân bốc dỡ hàng; trước và sau mỗi chuyến đi, HTX đều thực hiện khử khuẩn cho toàn bộ xe.

Trước khi xe xuất bến, doanh nghiệp đều thực hiện khai báo lịch trình di chuyển, ký cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với chính quyền địa phương, chỉ dừng lại ăn, nghỉ tại những địa phương có “vùng xanh”. Mỗi xe đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Định kỳ, tiến hành lấy mẫu test nhanh cho 100% lái xe, phụ xe và công nhân.

Làm nghề lái xe tự do và cho thuê xe tự lái, anh Nguyễn Văn Biển, xã Lãng Công, huyện Sông Lô sẵn sàng nhận bất cứ hợp đồng thuê xe nội tỉnh hay liên tỉnh. Tuy đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng anh Biển luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho bản thân và các hành khách trên xe.

Bên cạnh việc trang bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, hướng dẫn hành khách ngồi giãn cách, trước và sau mỗi hành trình anh đều thông báo lịch trình và khai báo y tế đối với chính quyền địa phương, ký cam kết thực hiện đúng quy định 5K về phòng, chống dịch.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 101 tuyến vận tải cố định với gần 10.000 xe chạy hợp đồng, vận tải, đầu kéo, taxi và xe công te nơ. Sau thời gian “nghỉ dịch” kéo dài, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, để thích ứng, an toàn, phòng dịch hiệu quả, các doanh nghiệp vận tải nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động trở lại.

Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu trao đổi hàng hóa, giao thương, đi lại của người dân tăng cao, nhiều doanh nghiệp vận tải đã chuẩn bị tâm thế để “tăng tốc”, nhằm đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu về vận tải của thị trường.

Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố có số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều ca bệnh trong cộng đồng, nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn qua hoạt động vận tải rất lớn, nếu không có sự kiểm soát tốt.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, từ tháng 10/2021 đến nay, đã xuất hiện 5 trường hợp dương tính được phát hiện trong cộng đồng liên quan đến các lái xe, phụ xe liên tỉnh. Điều đáng nói là mặc dù có trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh.

Bởi vậy, chỉ cần một chút chủ quan lơ là của cơ quan quản lý, địa phương, sự thiếu ý thức, không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; không trung thực khai báo y tế của lái xe, phụ xe thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là khó tránh khỏi.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành văn bản về việc theo dõi, kiểm soát hoạt động vận tải đường dài phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê các loại xe vận tải hàng hóa, hành khách đường dài (đặc biệt các xe di chuyển theo tuyến cố định đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam), bắt buộc phải đăng ký ngày đi, ngày về với địa phương.

Trước khi về tỉnh phải khai báo y tế và xét nghiệm theo quy định trước khi trở về nhà và di chuyển đến các địa điểm khác. Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý bến xe khách tăng cường công tác quản lý về hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh của xe tuyến cố định; tiếp nhận các khai báo, cam kết của đơn vị vận tải khi đến làm thủ tục ra, vào bến và thông báo ngay cho chính quyền địa phương.

Thành lập các tổ kiểm tra lưu động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, chú trọng kiểm tra, xử lý các phương tiện dừng, đỗ, đón trả khách, hàng hóa dọc đường, khu vực bến xe, cửa hàng xăng dầu.

Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các lái xe, phụ xe và người đi theo xe liên tỉnh phải cam kết và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Thực hiện khai báo y tế và test nhanh Covid-19 tại các chốt kiểm dịch khi vào tỉnh.

Một trong những yếu tố quan trọng là các địa phương, tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản tiếp nhận việc cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của lái xe, phụ xe và người đi theo xe; bản kê khai hành trình di chuyển của các nhà xe; kịp thời phát hiện các trường hợp lái xe, phụ xe và người đi theo xe, người dân đi từ các địa phương khác, nhất là từ các vùng có cấp độ dịch 3 và 4 về tỉnh mà không khai báo y tế.

hoavt

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)