Ngành GTVT Thái Nguyên triển khai đồng bộ chuyển đổi số

Thứ sáu, 07/01/2022 10:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, ngành Giao thông vận tải luôn xác định sứ mệnh “đi trước mở đường” xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mà Chuyển đổi số là cơ hội để đi tắt đón đầu.

Mục tiêu được đưa ra là tiên phong đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược; ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải theo dõi một trong các Kỳ thi sát hạch cấp GPLX
từ dữ liệu truyền về từ Trung tâm sát hạch tại Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên

Chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe

Thừa hưởng các nền tảng số được Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đồng bộ trong cả nước, đến nay toàn bộ quy trình, thủ tục giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại Sở GTVT Thái Nguyên đều được thực hiện trên các phần mềm điện tử chuyên ngành để quản lý cấp giấy phép lái xe,đào tạo lái xe, quản lý vận tải, quản lý bến xe, quản lý xe máy chuyên dùng…  Kết quả xử lý đều được gắn mã QR để tra cứu thông tin.

Trong hoạt động vận tải, việc tự động định danh phương tiện giao thông và xác định tốc độ, tự động hóa xử lý thông tin báo cáo đã được Sở triển khai thông qua phần mềm Quản lý và xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5.000 phương tiện giao thông được lắp thiết bị để quản lý giám sát.

Đồng hành của doanh nghiệp trong xây dựng “kinh tế số”

Bên cạnh các nền tảng số được triển khai từ các cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn đã tích cực “chung tay thực hiện chuyển đổi số”.

Toàn tỉnh có 60 doanh nghiệp vận tải với tổng số gần 6.500 phương đã cài đặt thiết bị thông minh giám sát hành trình thông qua sim di động. Đồng thời với đó, tại nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục triển khai các phần mềm quản lý ở mức cao hơn, đa dạng hơn như app công nghệ để ký hợp đồng, bán vé, thanh toán, thu phí điện tử... Điển hình là Công ty CP Vận tải Thái Nguyên xây dựng Bến xe khách trung tâm thành phố Thái Nguyên từ năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Phần mềm quản lý bến xe khách phiên bản 2.0 đã được Công ty ứng dụng triển khai thực hiện hiệu quả. Từ khi có phần mềm ứng dụng, quy trình quản lý hoạt động của Bến xe khách trung tâm gần như không cần đến sự can thiệp của con người.

Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn đã tích cực phối hợp với đơn vị phát triển thẻ thu phí không dừng trong triển khai dán thẻ miễn phí cho phương tiện đến đăng kiểm xe. Thu phí không dừng ETC cũng được triển khai từ tháng 7/2021 tại trạm thu phí BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Chuyển đổi số lĩnh vực hạ tầng đường bộ

Số hóa lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ có ý nghĩa rất quan trọng do hệ thống tài sản đường bộ có giá trị hàng triệu tỷ đồng. Những năm gần đây, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quan tâm tới số hóa hạ tầng nêu trên trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên.

Đối với hệ thống đường do Trung ương quản lý (Quốc lộ), năm 2021, Sở GTVT bước đầu khai thác và sử dụng Hệ thống quản lý tài sản đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng. Hệ thống đường bộ địa phương (đường tỉnh, huyện…), năm 2021, Sở GTVT đã đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số “Xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến, quản lý tài sản hạ tầng đường bộ trên nền tảng công nghệ IoT, bản đồ số và định vị vệ tinh GPS”. Hệ thống được xây dựng bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Kỳ vọng là người dẫn đầu trong chuyển đổi số

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, ngành GTVT tập trung vào nhiệm vụ xây dựng “Chính quyền số” bằng việc tăng cường và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dùng trong xử lý hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hướng tới một công sở hạn chế tối đa hồ sơ in ấn bằng giấy. Quản lý toàn bộ các hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe bằng các phần mềm, dịch vụ công mức độ 3, 4 và đồng thời tích hợp trên hệ thống C-ThaiNguyen nhằm phục vụ người dân và tổ chức khi có yêu cầu. Sử dụng nền tảng mạng xã hội như zalo để kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin đồng thời giải đáp thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với một ngành kinh tế có tầm ảnh hưởng rộng như giao thông vận tải, việc thực hiện chuyển đổi số có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả xã hội. Chuyển đổi số hiệu quả sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, đem lại chất lượng dịch vụ tốt cho đối tượng thụ hưởng là người dân. Với bước khởi động tích cực và lộ trình triển khai cụ thể của ngành GTVT đã tạo bước đột phá về chất lượng dịch vụ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Đây là tiền đề để toàn ngành hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong tầm nhìn đến năm 2030 với kỳ vọng sẽ là một trong những người dẫn đầu trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ./.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)