Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu xuyên suốt đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Thực hiện mục tiêu đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Sở GTVT đã bắt tay ngay xây dựng Đề án bê tông hóa đường bê tông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND tỉnh thông qua với mục tiêu hoàn thành trên 1.080 km đường giao thông nông thôn và trên 200 cầu trên đường giao thông nông thôn. Đây là đề án được triển khai sớm nhất để cụ thể hóa nghị quyết, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Do đó, ngay trong năm đầu tiên thực hiện đề án tỉnh ta đã hoàn thành 223 km đường giao thông nông thôn và khởi công xây dựng 38 cầu trên đường giao thông nông thôn.
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã huy động được sự vào cuộc nhiệt tình và đầy trách nhiệm của người dân hiến đất, đóng góp kinh phí làm cho những con đường thôn to, đẹp mãi ra. Chị Phạm Hồng Thắm, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) chia sẻ, được Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường, đi lại thuận lợi, giao thương phát triển, vậy nên chị tự nguyện hiến 130 m2 đất để thôn làm đường. Có đường đẹp, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, các sản phẩm nông nghiệp bán sẽ thuận lợi.
Sở GTVT đã nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ đột phá, đổi mới; chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng và trình phê duyệt 2 nghị quyết và 2 đề án, 1 kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII. Ngành chủ động phối hợp lập quy hoạch vùng tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2050, Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải Quốc gia, trong đó đề xuất những tuyến đường có tầm nhìn chiến lược lâu dài, liên kết vùng, tạo ra hệ thống giao thông kết nối nhanh trong và ngoài tỉnh.
Trọng tâm là bổ sung quy hoạch Quốc gia 2 tuyến đường cao tốc, 3 tuyến đường quốc lộ, quy hoạch bổ sung 6 tuyến đường tỉnh là những trục dọc, trục ngang liên kết hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng để hình thành các trục phát triển; khảo sát tuyến đường liên kết vùng Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và đường Na Hang - Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn); quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (cụm công nghiệp Thiện Kế - Ninh Lai) đến xã Đạo Trù để kết nối với đường Tam Đảo - nút giao IC4 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh Vĩnh Phúc và tuyến đường từ khu công nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) đến xã Quang Yên, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) kết nối với nút giao IC6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn từ Chiêm Hóa đến thị trấn Na Hang và nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa đi xã Hùng Mỹ đến thị trấn Na Hang, huyện Na Hang...
Ngành kịp thời chủ trì, phối hợp tham mưu đề xuất danh mục đầu tư công trung hạn và triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng, cấp bách như đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn, từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm, đường dọc hai bờ sông Lô (TP Tuyên Quang), đường ĐT 188 từ huyện Chiêm Hóa đi huyện Lâm Bình, đường từ Suối khoáng Mỹ Lâm đi Quốc lộ 2D kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường tránh thị trấn Sơn Dương, thực hiện sửa chữa nền, mặt đường các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh; xây dựng các cầu lớn trên sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy như cầu Xuân Vân, Cầu Bạch Xa, cầu Sơn Dương 2, cầu Trắng 2, cầu Chinh...
Đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua xã Thái Long (TP Tuyên Quang)
được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân
Ngành đã bố trí nguồn lực tham gia các chốt kiểm soát liên ngành của tỉnh, vận chuyển trên 3.000 công dân đi qua địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn trở về các địa phương; hỗ trợ đầy đủ, kịp thời phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa cho các địa phương chống dịch Covid-19.
Năm 2022, ngành chủ động chủ trì, phối hợp thực hiện các mục tiêu về giao thông vận tải mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại đã đề ra; bám sát, đề xuất với Bộ GTVT các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu đề xuất với tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách và các hình thức đầu tư khác để đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh, đường huyện theo quy hoạch.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với tỉnh cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng vận tải như bến xe, điểm dừng đỗ, bãi đỗ xe; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất phương án khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường để đầu tư xây dựng các trục đường phát triển đô thị tại trung tâm thành phố và trung tâm các huyện, các trục đường giao thông chính mở mới. Ngành tập trung tham mưu, đề xuất, chỉ đạo xây dựng các dự án hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên thực hiện thi công các dự án đã triển khai khởi công xây dựng năm 2021; tích cực đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và nhiều công trình quan trọng khác.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, của tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các huyện, thành phố; sự chia sẻ, ủng hộ của người dân; ngành Giao thông vận tải tin tưởng rằng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại, giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và liên vùng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.