Giao thông được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Với đặc thù, vị trí địa lý của Hà Giang, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2020 – 2025 là xây dựng kế cấu hạ tầng giao thông.
Đưa Nghị quyết ĐH Đảng XIII vào cuộc sống và khẳng định quyết tâm của tỉnh, ngày 22/12/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 22 về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.
Đường thành phố Hà Giang đi xã Đồng Tâm (Bắc Quang) đang được
đầu tư nâng cấp tạo đột phá phát triển cho các địa phương phía Đông sông Lô
Thực trạng hạ tầng giao thông tỉnh
Từ sự quan tâm của T.Ư, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bước đầu được triển khai xây dựng mới, cải tạo nâng cấp; đường đô thị, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư. Riêng giai đoạn 2015 – 2020 toàn tỉnh huy động trên 8.600 tỷ đồng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đô thị, đường trong khu công nghiệp; cải tạo, xây dựng hàng nghìn cầu, cống với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm chất lượng. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn, trên 86% thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm. Chất lượng vận tải ngày càng đáp ứng yêu cầu, thuận lợi, nhanh chóng và an toàn; trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, bình quân hàng năm giảm trên 5% số vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hệ thống giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối và là điểm nghẽn của quá trình phát triển, như: Chưa có đường bộ cao tốc, đường tốc độ cao và cảng hàng không kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực và Thủ đô Hà Nội; hệ thống quốc lộ trên địa bàn có 7 đoạn tuyến dài trên 500 km nhưng chỉ có Quốc lộ 2 đạt tiêu chuấn đường cấp III theo quy hoạch, các quốc lộ khác được đầu tư xây dựng trước năm 2000 với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. 6 tuyến đường tỉnh dài hơn 340 km chưa được đầu tư hoàn chỉnh; đường giao thông nông thôn đầu tư với quy mô nhỏ, không đồng bộ, chất lượng thấp; mật độ và quy mô giao thông đô thị chưa cao; giao thông đường thủy khó phát triển do bị ngăn cách bởi hệ thống thủy điện….
5 mục tiêu đột phá lớn
Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, mạng lưới giao thông đảm bảo phù hợp với Quy hoạch, chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, góp phần thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững, củng cố vững chắc QP-AN.
Với quan điểm trên, 5 nhóm mục tiêu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được Nghị quyết số 22 của BCH Đảng bộ tỉnh xác định: Đề xuất T.Ư triển khai xây dựng hai tuyến đường cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và cao tốc Nội Bài - Lào Cai; bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng sân bay lưỡng dụng tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh 4 tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp III miền núi. Tập trung, ưu tiên các nguồn lực thực hiện nâng cấp các tuyến đường tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành tối thiểu 170 km đường cấp IV; đầu tư, hoàn thành nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, đường huyện quan trọng, lưu lượng giao thông qua lại lớn và đường ra cửa khẩu để phát triển kinh tế; đầu tư các tuyến đường tránh qua trung tâm thành phố Hà Giang, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên); quan tâm xây dựng các cầu lớn vượt sông để kết nối giao thông khu kinh tế cửa khẩu, mở rộng đô thị.
Phát triển mạnh mẽ hệ thống đường giao thông nông thôn, phấn đấu đến hết năm 2025 đầu tư xây dựng 1.760 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đường huyện 372 km, đường xã 1.388 km, hoàn thành 100% thôn biên giới có đường giao thông đạt chuấn tiêu chí NTM; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cầu treo trên đường giao thông nông thôn… tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn và phục vụ sản xuất, kết nối liên vùng. Tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao chất lượng giao thông đô thị theo hướng hiện đại, thuận tiện, chú trọng phát triển hệ thống giao thông tĩnh gắn với chỉnh trang đô thị, phù hợp với quy hoạch. Nghiên cứu đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và kết họp phát triển du lịch.
6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đưa ra là: Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư với cơ chế, chính sách phù hợp; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, quản lý hành lang giao thông; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Với những đánh giá kỹ thực trạng hạ tầng giao thông và những mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh cùng sự chuẩn bị chủ động, xác định rõ nguồn lực. Tin tưởng rằng, Đảng bộ tỉnh không chỉ hoàn thành thắng lợi đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mà còn đột phá hoàn thành mục tiêu mang tầm nhìn, định hướng dài hạn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: “… Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước”.