Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tỉnh lộ 229 là đường độc đạo vào trung tâm xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Vào mùa mưa, tuyến đường có rất nhiều ngầm tràn bị ngập nước khiến nơi đây bị cô lập. Để có thể đi lại trong mùa mưa lũ, người dân địa phương phải làm những cây cầu tạm qua các ngầm tràn, thế nhưng cầu tạm chỉ được vài ngày, lũ lại cuốn trôi…
Lạng Sơn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với quyết tâm sẽ đưa vào hoàn thành tuyến cao tốc này trong năm 2023 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Ước mong về một con đường rộng rãi, an toàn hơn của người dân Tân Minh đã trở thành hiện thực khi tỉnh Lạng Sơn triển khai Dự án đường Trung Thành – Tân Minh, đấu nối đường tuần tra biên giới huyện Tràng Định với tổng vốn 80 tỷ đồng. Khó có thể diễn tả niềm vui của những người dân Tân Minh, bởi từ nay sẽ không còn cảnh các em nhỏ lấm lem bùn đất vì trượt ngã trên đường đi học hay nỗi lo bị cô lập mỗi khi mưa lũ về…
Bà Đinh Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Tràng Định cho biết: “Bà con đều ai nấy đều rất vui mừng, ủng hộ đồng tình cao. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. Phải nói so với trước, công trình này đã tạo ra sự thay đổi rất lớn, cùng với đó, do được đấu nối với đường tuần tra biên giới nên người dân cũng ý thức hơn, cùng lực lượng chức năng chung tay bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biên giới quốc gia.”
Đường Trung Thành - Tân Minh chỉ là 1 trong nhiều dự án mà tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Từ những dự án này, hiện tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa đạt hơn 90%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 70%... Trong tổng số 170 công trình hạ tầng giao thông được triển khai trong năm 2021, có 110 công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác và bước đầu phát huy được hiệu quả cao, 60 công trình đang thi công theo tiến độ.
Lạng Sơn đã và đang triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn, kết quả đến hết năm 2021, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa đạt hơn 90%
Các công trình giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương và cả vùng Đông Bắc cũng được tỉnh Lạng Sơn hết sức chú trọng. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tuyến đường có biệt danh là "đường cao tốc cụt" bởi hiện nay, khi hết cao tốc này, các phương tiện phải chuyển sang đi thêm 30km nữa trên quốc lộ 1A để tới được TP Lạng Sơn và thêm 43km nữa nếu muốn tới cửa khẩu Hữu Nghị.
Trước những "lùm xùm" gần đây xung quanh Dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần khẳng định “Không có chuyện địa phương này gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm chậm đến tiến độ triển khai Dự án". Và lời nói đi đôi với việc làm khi tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (gồm cả đoạn tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam); thực hiện giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng)…
Với quyết tâm hoàn thành tuyến cao tốc này trong năm 2023, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, nêu quan điểm: “Chúng ta có thể hình dung Tuyến cao tốc này như mạch máu chính trong cơ thể con người, nó giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc liên kết giữa tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh, thành khác. Nếu đưa vào hoàn thành sử dụng thì sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách, cùng tạo nên sự phát triển chung không chỉ của riêng Lạng Sơn mà đó còn thủ đô Hà Nội, của các tỉnh nằm dọc theo con đường ấy và tới tận các tỉnh phía Nam… Địa phương cần phải nghiên cứu một cách tỉ mỉ những đặc điểm vận tải của khu vực trong nội bộ để làm công tác quy hoạch sao cho phát huy được hiệu quả nhất nguồn vốn bỏ ra, đầu tư vào con đường nào, đầu tư bao nhiêu tiền, cái nào làm trước cái nào làm sau… để từ đó tạo nên hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội.”
Ông Hà Minh Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết: Các công trình giao thông trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đều được tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời: “Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh, thu hút được các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Đặc biệt giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 như hiện nay thì việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều đi lại kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa tỉnh Lạng Sơn với các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng… đóng góp trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa, từ đó phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện.”
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Lạng Sơn đặt ra trong năm 2022 là đa dạng hóa các nguồn lực để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là phát huy hình thức đối tác công tư tại các vùng khó khăn. Lạng Sơn cũng xác định tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án có tính lan tỏa như: Dự án thành phần 2, thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B kết nối với quốc lộ 18; Đường kết nối huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) với huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)...
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm: “Tỉnh Lạng Sơn đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là được quan tâm hàng đầu. Chúng tôi sẽ tập trung vào những dự án có tính chất kết nối liên vùng, tạo sự lan tỏa. Có thể kể đến như tuyến đường kết nối Khu Công nghiệp Hữu Lũng với Cảng Mỹ An (tỉnh Bắc Giang) có vai trò thúc đẩy thông thương hàng nông sản, nguyên vật liệu giữa tỉnh Lạng Sơn đi đến các khu vực trong và ngoài nước. Như vậy, tại Khu Công nghiệp Hữu Lũng - khu vực trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ có 3 loại hình để vận chuyển hàng hóa là đường bộ, đường sắt và đường thủy... Tỉnh Lạng Sơn đang phấn đấu đến năm 2025 hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn sẽ cơ bản được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh.”
Với phương châm giao thông “đi trước một bước”, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh Lạng Sơn mà nó còn tạo luồng gió mới, tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông của địa phương này phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững. Việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ là cơ sở để Lạng Sơn "hóa giải" những khó khăn về địa lý, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế, đưa Lạng Sơn bứt phá trong những năm tiếp theo./.