Hòa Bình: Siết chặt bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Thứ năm, 03/03/2022 11:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có hệ thống quốc lộ hơn 320 km/7 tuyến, đường tỉnh 490 km/21 tuyến, đường huyện khoảng 770 km/72 tuyến, 10 tuyến đường vùng đặc thù và hệ thống đường đô thị, nội thị, đường nông thôn… với tổng chiều dài hơn 10.740 km đường bộ. Những năm gần đây, mật độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh đã gây áp lực lớn với hạ tầng giao thông.

Nhiều tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp nhanh, mặt đường xuất hiện ổ gà, còn nhiều vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông chưa được kịp thời xử lý… gây khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (BVKCHTGTĐB).

Đường cứu nạn khu vực dốc Cun trên quốc lộ 6 được xây dựng
đã phát huy tác dụng, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB). Có biện pháp quản lý việc tái lấn chiếm đối với các trường hợp đã được giải tỏa. Kiểm tra chặt chẽ các công trình thi công; xử lý nghiêm đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ, không thực hiện đầy đủ các phương án về bảo đảm an toàn lao động, ATGT trên công trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hệ thống HTGTĐB để kịp thời sửa chữa hư hỏng, chỉnh trang bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu giao thông; phục hồi các vạch sơn dừng xe tại giao lộ, vạch sơn cho người đi bộ đi ngang đường, vạch sơn phân luồng trên các tuyến đường đạt chất lượng theo quy định.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 8/10/2019 của UBND tỉnh về đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện và BVKCHTGTĐB trên địa bàn tỉnh, những năm qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở, lập biên bản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về BVKCHTGT. Tổ chức các đợt ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố, HLATGTĐB và xử lý gần 50 vị trí điểm đen tai nạn giao thông trên phạm vi của tỉnh, nhất là trên tuyến QL6, đường Hồ Chí Minh, QL21, QL12B, các tuyến đường tỉnh...

Trong năm 2021, mặc dù lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đối mặt với nhiều khó khăn, song Sở GTVT Hòa Bình  đã chỉ đạo đơn vị chức năng tích cực kiểm tra, quản lý, bảo vệ tài sản KCHTGT; thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, BVKCHTGT. Thanh tra sở đã thực hiện thường xuyên các cuộc kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường được giao quản lý. Trong năm đã lập biên bản vi phạm hành chính 37 vụ, trong đó ra quyết định xử phạt 1 vụ, bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền 36 vụ; lập biên bản làm việc, nhắc nhở 291 vụ.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song thực tế cho thấy, công tác quản lý, BVKCHTGTĐB còn nhiều khó khăn, tồn tại. Trong những cuộc họp bàn về công tác đảm bảo TTATGT, đồng chí Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết: Hiện, một số địa phương vẫn còn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp cho người dân cả phần diện tích HLATĐB. Do đó khi có nhu cầu xây dựng, người dân thực hiện theo ranh giới đất được cấp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi tuyên truyền, xử lý.

Ngoài ra, phần lớn khi cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân dọc tuyến đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn, các cơ quan chuyên môn của Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố đều xác định HLATĐB là 15 m tính từ tim đường. Theo Sở GTVT Hòa Bình , đây là cách xác định chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, việc phối hợp xử lý các hành vi vi phạm về HLATGTĐB của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện chặt chẽ ngay từ đầu, dẫn đến việc xử phạt, giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các công trình kiên cố. Công tác giải tỏa hành lang chưa thực sự triệt để, nên tại một số địa phương sau khi ra quân giải tỏa chỉ một thời gian ngắn lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm…

Từ thực tế trên, Sở GTVT Hòa Bình đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai các nội dung của Chỉ thị số 28, ngày 10/2/2017 của BTV Tỉnh ủy và Chỉ thị số 14, ngày 8/10/2019 của UBND tỉnh, trong đó xác định rõ trách nhiệm đưa công tác kiểm soát tải trọng và BVKCHTGTĐB là nhiệm vụ trọng tâm và trách nhiệm của người đứng đầu. Từng bước hoàn thành việc đưa nội dung trên trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các tổ chức, cá nhân.

UBND các huyện, thành phố tổ chức ký cam kết đối với 100% đơn vị khai thác mỏ và bốc xếp hàng hóa trên địa bàn về không bốc, xếp hàng hóa quá tải trọng phương tiện khi ra khỏi mỏ. Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở GTVT phối hợp Sở TN&MT tổ chức kiểm tra việc chấp hành cam kết của các đơn vị. Đối với các đơn vị vi phạm, Sở TN&MT kết hợp với các điều kiện hoạt động khác có thể xem xét đề nghị dừng hoặc tạm dừng hoạt động khai thác mỏ theo quy định. Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố từng bước tổ chức rà soát lại GCNQSDĐ được cấp cho các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả diện tích HLATĐB để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, trong đó xem xét quy định rõ vị trí diện tích đất ở trên tổng số diện tích đất được cấp để thuận tiện cho giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện các dự án; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng khi cấp GCNQSDĐ dọc các tuyến đường cần áp dụng chính xác cách xác định phạm vi BVKCHTGTĐB theo quy định…

toanld

Nguồn: Báo Hòa Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)