Phú Thọ: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông

Thứ hai, 13/06/2022 09:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai như: Nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến đường 35m thị xã Phú Thọ kết nối khu công nghiệp Phú Hà; Quốc lộ (QL) 32C qua thành phố Việt Trì từ chợ Nú đến cầu Phong Châu; Dự án tuyến đường giao thông nông thôn liên xã Đào Xá - Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy; đường nối từ QL32C vào khu công nghiệp Cẩm Khê; nút giao IC11 đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai và đường dẫn kết nối với QL70B tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa... từng bước hoàn thiện. Mạng lưới giao thông đồng bộ có tính liên kết cao giữa các vùng trong tỉnh Phú Thọ, các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế-xã hội.

 

Đường liên vùng đi qua xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê)
đã bàn giao mặt bằng cho nhà thi công đảm bảo đúng tiến độ

Huyện Cẩm Khê luôn xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt, bởi vậy, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Trong 5 năm qua, huyện đã huy động hàng ngàn tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng; nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư có ý nghĩa chiến lược, mở ra cơ hội, triển vọng cho sự phát triển của huyện, tạo sự liên kết giữa các vùng miền, thu hút các nhà đầu tư đến như: Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn, nút giao IC10; các tuyến đường huyết mạch chạy qua huyện là QL32C với chiều dài 29,5km là trục nối giao thông đường bộ quan trọng của 6 tỉnh miền núi phía Bắc; tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển KT- XH hiệu quả.

Theo thống kê của ngành Giao thông vận tải, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 12.000km đường giao thông, trong đó 62km đường cao tốc, 531km quốc lộ, 794km đường tỉnh, trên 11.000km đường giao thông nông thôn, đường đô thị. Năm nút giao từ IC7 đến IC11 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo nên hệ thống giao thông đối ngoại cơ bản hoàn chỉnh, làm tăng khả năng kết nối của tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hệ thống cầu lớn trên tuyến bắc qua sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, sông Lô đã và sẽ góp phần tăng cường kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống hai bên bờ sông...


Người dân xã Hà Lộc (TX Phú Thọ) đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công
làm đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đảm bảo đúng tiến độ

Trong năm năm (2016-2020), tổng vốn huy động đầu tư cho hạ tầng giao thông trong tỉnh đạt 6.160 tỉ đồng, chiếm 12,3%. Trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.104 tỉ đồng; vốn đầu tư tư nhân 1.934 tỉ đồng. Theo kế hoạch hết năm 2022 sẽ giải ngân 1.300 tỉ đồng thực hiện hai dự án giao thông trọng điểm đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL70B, QL32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái đi qua ba huyện: Tam Nông, Cẩm Khê, Hạ Hòa; Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua bốn địa phương: Thị xã Phú Thọ, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh...

Sau dự án được hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận, từ đó thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ nói riêng, khu vực nói chung.

Thành công lớn nhất trong tiến trình xây dựng hệ thống giao thông ở tỉnh là tranh thủ được các nguồn vốn và phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 10 năm qua, các địa phương đã vận động nhân dân hiến hàng trăm héc ta đất và nhiều cây cối, tài sản trên đất để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đặc biệt là làm đường giao thông. Toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo hàng ngàn km đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với sự đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông, đến nay 100% các xã đều có đường giao thông nông thôn kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm, trục chính nội đồng được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Hết quý II năm 2022, tỉ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được kiên cố hóa đạt 72,8% (tăng 0,7% so với năm quý IV, năm 2021).

Với những nỗ lực của tỉnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân đã thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để từng bước hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, tạo động lực đánh thức tiềm năng của các địa phương, thúc đẩy hợp tác phát triển, thu hút đầu tư vào tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

hoavt

Nguồn: Báo Phú Thọ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)