Trước việc một số đơn vị kinh doanh vận tải vẫn cố tình “phớt lờ” quy định lắp camera giám sát hành trình theo quy định của Chính phủ, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lực lượng Thanh tra giao thông Hà Tĩnh tăng cường
kiểm tra phương tiện lắp đặt camera giám sát theo quy định
Ông Nguyễn Quang Sơn - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho hay: toàn tỉnh có 1.390 ô tô của 96 đơn vị kinh doanh vận tải (42 đơn vị kinh doanh vận tải khách, 54 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa) nằm trong diện phải thực hiện việc lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 (Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thì xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh.
Việc lưu trữ hình ảnh đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km. Dữ liệu hình ảnh sẽ được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi cần thiết.
Khi lắp đặt camera thì doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý sẽ giám sát được hoạt động của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện, ngăn ngừa và kiểm soát được các hành vi gây mất trật tự ATGT như: chở quá số người quy định, chở quá tải, sử dụng điện thoại trong khi lái xe…
Việc này còn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi họ có thể quản lý tốt nguồn nhân lực, xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, từ hình ảnh camera giám sát mang lại, có thể hỗ trợ cơ quan chức năng trích xuất dữ liệu để phục vụ điều tra khi xảy ra các sự cố về giao thông.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Đình Minh thì hiện tại, trong số 1.390 ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt camera giám sát, đã có gần 1.200 phương tiện đã hoàn thành. Với gần 200 phương tiện phải lắp camera nhưng chưa lắp đặt thì phần lớn là không hoạt động vì một số lý do, trong đó có hệ quả do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tuy vậy, không loại trừ khả năng một số đơn vị vận tải cố tình “chây ỳ” việc lắp đặt camera theo quy định hoặc lắp đặt theo dạng “cho có” để đối phó với lực lượng chức năng.
Theo quy định, xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; từ 5 - 6 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân và từ 10 - 12 triệu đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức. Xe ô tô còn bị thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải 1 - 3 tháng.
Để ngăn ngừa tình trạng phương tiện nằm trong diện phải lắp camera giám sát nhưng chưa chấp hành mà vẫn lưu thông trên đường, thời gian này, Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh đã thành lập các tổ công tác để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm.
Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Đình Minh: Quá trình kiểm tra cho thấy, phần lớn các phương tiện vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đều đã trang bị camera giám sát hành trình theo đúng quy định. Thế nhưng, đơn vị vẫn phát hiện một số trường hợp cố tình “chây ỳ” không lắp đặt.
Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản xử lý 3 ô tô (1 xe khách tuyến cố định, 1 xe hợp đồng và 1 xe đầu kéo) không lắp đặt camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 12,5 triệu đồng/phương tiện; đồng thời, phát hiện, nhắc nhở một số nhà xe đã lắp đặt nhưng lại không trích xuất được dữ liệu - đơn vị đã yêu cầu phải nhanh chóng khắc phục và khi kiểm tra lại nếu vẫn để tình trạng này tái diễn sẽ xử phạt theo quy định.