Tánh Linh và Đức Linh là vựa lúa của tỉnh Bình Thuận, đồng thời 2 huyện này cũng là nơi có diện tích cây cao su lớn nhất tỉnh.
Tuy nhiên, nhiều năm trước đây do giao thông còn hạn chế, nhất là chất lượng các tuyến đường gây khó khăn cho lưu thông nên người dân làm ra các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp khác như lúa, hạt điều, mủ cao su, trái cây… phải bán giá thấp vì tư thương ép giá. Lý do tư thương đưa ra là do đường hư và nhỏ xe container không chạy được để vận tải số lượng lớn, phải sử dụng xe tải công suất nhỏ để vận chuyển hàng hóa cộng thêm đường xấu nên chi phí hao mòn, sửa xe tăng. Vì vậy “buộc” phải mua hàng nông sản thấp hơn các vùng lân cận để bù vào giá vận chuyển.
Hiểu được sự khó khăn của người dân, nhiều năm liền lãnh đạo tỉnh đã xin Trung ương vốn đầu tư tuyến đường ĐT720 và ĐT766, tuyến đường được nối từ huyện Hàm Tân qua Tánh Linh, lên Đức Linh đi tỉnh Đồng Nai và kết hợp với các đường nhánh đi các tỉnh Tây nguyên. Khi con đường đưa vào sử dụng giá thành nông sản đã thay đổi hẳn, đường vận chuyển thuận lợi nên giá thành 2 chiều các mặt hàng ở vùng Đức Linh, Tánh Linh không còn chênh lệch bao nhiêu so với các vùng khác…
Đường ĐT766 kết nối nhiều tuyến trên địa bàn trong và ngoài huyện Đức Linh
Công trình cải tạo, nâng cấp đường ĐT720 và ĐT766 được phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 3683 ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận với tổng chiều dài là 98 km, thiết kế hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổng mức đầu tư là gần 1.000 tỷ đồng. Công trình thi công hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 7/2012. Công trình đã đáp ứng nhu cầu bức xúc về giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh quốc phòng; tạo kết nối giao thông với các vùng, khu vực Hàm Tân, huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh và các vùng lân cận, từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với đường ĐT766 là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối huyện Đức Linh với QL1A qua huyện Xuân Lộc và kết nối với tuyến Mê Pu - Đa Kai với QL20 qua huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và kết nối với tuyến ĐT717 đi QL20 qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Đây là trục xương sống trong giao thông đối ngoại của huyện Đức Linh, giúp kết nối huyện với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng về phía đông.
Ông Huỳnh Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: Trước năm 2010, Đức Linh chưa có cụm công nghiệp nhưng từ khi tuyến đường ĐT766 hoàn thành, Đức Linh đã có 3 cụm công nghiệp gồm Đông Hà, Nam Hà và Nam Hà 2 với diện tích 182,82 ha, do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng với tổng nguồn vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng, giúp không gian phát triển công nghiệp được mở rộng. Với sự hỗ trợ của tỉnh và nỗ lực của huyện đã kêu gọi đầu tư 2 cơ sở may mặc là Thái Sơn SP và Nhà Bè thu hút khoảng 1.750 lao động. Chưa dừng lại ở đó, mới đây Đức Linh còn có 25 nhà đầu tư khảo sát, đầu tư dự án với tổng diện tích đất 178,74 ha, với tổng mức đầu tư trên 950 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 có 2 nhà đầu tư khảo sát, đề xuất đầu tư dự án với tổng diện tích đất 20,58 ha và tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng. Từ đây, thu nhập bình quân đầu người của huyện từ 31,3 triệu đồng của năm 2015 lên 44,3 triệu đồng của năm 2020 và thu nhập đầu người năm 2021 là 46,5 triệu đồng...
Đường ĐT720 và ĐT766 dù có vốn đầu tư chỉ 1.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cho 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh nhiều gấp chục lần mức đầu tư. Đồng thời tạo bước đột phá cho 2 huyện từng bước phát triển công nghiệp hóa theo chủ trương của tỉnh.