Hà Nội: Người dân làm quen với xe buýt thay thế Bắc Hà

Thứ tư, 03/08/2022 09:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ ngày 1/8, 03 đơn vị vận tải thay thế Công ty TNHH Bắc Hà vận hành 5 tuyến xe buýt 41, 42, 43, 44 và 45 nhiều khách hàng bắt đầu làm quen với phương tiện mới. Hoạt động vận tải hành khách được thông suốt, đảm bảo việc đi lại của người dân.

Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt, sau khi Công ty TNHH Bắc Hà xin dừng hoạt động 5 tuyến xe buýt 41, 42, 43, 44 và 45, Sở GTVT TP Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương đánh giá và lựa chọn nhà thầu thay thế.

Ảnh minh họa

Ngày 31/7, Sở GTVT TP Hà Nội đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu đối với loạt tuyến buýt có trợ giá sau khi ngừng hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà. Theo đó, 3 đơn vị được chỉ định thầu gồm: Công ty CP Xe điện Hà Nội tuyến số 41 (Nghi Tàm - bến xe Giáp Bát), 44 (Trần Khánh Dư - bến xe Mỹ Đình), 45 (Time City - Nam Thăng Long); Công ty CP Xe khách Hà Nội tuyến số 42 (bến xe Giáp Bát - Đức Giang); Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân tuyến số 43 (Công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh). 3 công ty này đã bắt đầu thay thế Bắc Hà vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngày 1/8.

Sau ngày đầu tiên 3 đơn vị hoạt động trở lại, nhiều người dân ngỡ ngàng trước hàng loạt phương tiện được thay đổi của các tuyến xe buýt thay thế xe của Công ty TNHH Bắc Hà.

Bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên sử dụng xe buýt số 43 để đi lại, được biết thông tin Bắc Hà xin dừng hoạt động cũng khá lo lắng vì sợ hành trình đi lại bị gián đoạn. Tuy nhiên, hôm nay ra điểm đón xe buýt đã thấy xe buýt mới thay thế hoạt động”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, xe buýt mới được thay thế có chất lượng phương tiện khá tốt, xe còn rất mới, thái độ phục vụ của lái xe và phụ xe ân cần và chu đáo.

Cũng thường xuyên đi làm bằng xe buýt số 41, anh Lê Cao Nguyên (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Lúc đầu tôi ra điểm chờ thì không tìm thấy xe vì phương tiện và đơn vị vận hành thay đổi. Tuy nhiên, nhìn qua số xe thì nhận ra được”.

Anh Lê Cao Nguyên cho rằng, việc thay đổi đột ngột phương tiện khiến nhiều hành khách nhầm tưởng với xe khách nhất là người cao tuổi. Các đơn vị vận hành nên sử dụng bản số to, báo tuyến bằng chữ để hành khách dễ nhận diện. Bên cạnh đó, anh Nguyên cũng đề xuất, lái xe khi dừng tại các điểm đón khách có thể dừng lâu hơn một vài giây để hành khách kịp phát hiện ra xe mới, tránh trường hợp bỏ lỡ hành khách.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Xe khách Hà Nội thông tin, mặc dù thời gian chuẩn bị gấp gáp, tuy nhiên đơn vị đã nỗ lực đảm bảo đủ số lượng phương tiện, nhân lực phục vụ tuyến xe buýt mới, thời gian tới sẽ tiếp tục tập chung cải thiện về phương tiện cũng như chất lượng phục vụ, đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.  

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)