Mặc dù số vốn được phân bổ để sửa chữa hạ tầng giao thông còn thiếu so với nhu cầu, nhưng những năm qua, nhờ có cách làm khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Từ đó, đảm bảo việc đi lại của nhân dân được thuận tiện, an toàn và đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bằng nguồn vốn được phân bổ, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên
đã đầu tư mở rộng mặt cầu trên Quốc lộ 37, đoạn qua xã Cù Vân (Đại Từ)
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý gần 200km quốc lộ và được UBND tỉnh Thái Nguyên giao quản lý khoảng gần 400km đường tỉnh. Theo đánh giá của đơn vị, các tuyến đường Sở được giao quản lý khá nhiều và một số tuyến từ lâu không được đầu tư sửa chữa lớn nên đã xuống cấp.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhiều tuyến đường giao thông nằm dưới chân đồi, núi nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, gây sạt lở nền, mặt đường. Vì vậy, hằng năm, nhu cầu đối với nguồn vốn sửa chữa đường giao thông là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ hiện nay lại rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 so với nhu cầu thực tế.
Ông Vũ Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải cho biết: Năm 2022, nguồn vốn được phân bổ về Sở là gần 80 tỷ đồng, ít hơn năm 2021 khoảng 30%. Vì thế, để đảm bảo sử dụng nguồn vốn được hiệu quả, Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu, đánh giá mức độ xuống cấp của từng đoạn đường để thực hiện đầu tư, sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu đoạn đường nào xuống cấp nhiều (mang tính cấp thiết) sẽ được ưu tiên đầu tư sửa chữa trước, để đảm bảo việc đi lại thuận tiện, an toàn cho nhân dân và đáp ứng nhiệm vụ giao lưu kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
Khi đầu tư sửa chữa, một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ các tuyến đường là Sở Giao thông vận tải thường nghiên cứu thực hiện hạng mục xây dựng rãnh dọc thoát nước ở những khu vực đông dân cư, nhiều phương tiện lưu thông. Cụ thể như trước đây, Quốc lộ 37, đoạn từ ngã ba Bờ Đậu đến xã Hà Thượng (huyện Đại Từ) nhỏ hẹp nên việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, từ năm 2020, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành đầu tư xây dựng rãnh dọc thoát nước, thảm nhựa mở rộng mặt đường.
Hay như tuyến đường TP. Sông Công - phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), trong năm 2020, Sở đầu tư sửa chữa mặt đường, đồng thời triển khai xây dựng rãnh dọc thoát nước, mặt đường tại khu vực này được mở rộng thêm 2m. Nhờ đó, các phương tiện qua lại thuận tiện hơn rất nhiều…
Tính đến nay, hàng trăm ki lô mét đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được xây dựng rãnh dọc thoát nước. Qua đó, không chỉ giúp mở rộng mặt đường, vệ sinh môi trường mà còn bảo vệ đường tốt hơn…
Cùng với đó, do nhiều tuyến đường tỉnh bị chia cắt bởi khe suối, vào mùa mưa lũ, thay vì xây dựng ngầm tràn - tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi nước dâng, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng hàng chục cầu tràn liên hợp (cầu cống hộp). Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2022, bằng nguồn vốn được phân bổ, đơn vị tập trung sửa chữa Quốc lộ 37 (đoạn qua huyện Phú Bình) kết nối các khu công nghiệp của Phú Bình - TP. Phổ Yên - TP. Sông Công. Đồng thời mở rộng nền đường, xây dựng rãnh dọc thoát nước tại Quốc lộ 1B (đoạn từ thị trấn Đình Cả đến nút giao đường vào Trường THPT Võ Nhai)…
Thực tế cho thấy, mạng lưới giao thông đường bộ của Thái Nguyên ngày càng được mở rộng, lưu lượng vận tải ngày càng tăng, nên nhiều tuyến đường đã và đang xuống cấp. Do đó, việc Sở Giao thông vận tải sử dụng hiệu quả nguồn vốn sửa chữa đường bộ đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất các cấp, ngành cần tăng cường nguồn vốn duy tu, sửa chữa thường xuyên để góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường…