Bình Phước: Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

Thứ ba, 18/10/2022 13:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nhu cầu học lái xe ô tô của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao. Những quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, trong đó có việc dạy - học được giám sát chặt chẽ bằng thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học lái (DAT) và mô hình cabin mô phỏng được người dân quan tâm.

Hai quy định nêu trên được điều chỉnh tại Thông tư số 04-2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12-2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực từ ngày 15/6/2022.

Tăng thời gian thực hành

Chứng kiến một buổi thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và lái máy chuyên dùng thuộc Trường cao đẳng Bình Phước một ngày đầu tháng 10-2022, chúng tôi cảm nhận rõ sự hứng khởi của cả người dạy và người học.

Anh Phạm Đức Thanh ở khu phố Hòa Vĩnh 2, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, học viên khóa 59 cho biết, sau khi hoàn thành 168 giờ học lý thuyết, bao gồm: Luật Giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, nghiệp vụ vận tải, cấu tạo và sửa chữa..., học viên được thực hành chạy xe trong sân tập, sau đó điều khiển xe tham gia giao thông trên đường. Nếu như trước ngày 15/6/2022, thời gian học thực hành lái xe trên đường chỉ có 36 giờ thì nay đã tăng lên 40 giờ. Đồng thời giảm thời gian tập lái trong sân tập từ 45 giờ còn 41 giờ.

Học viên được thực hành lái xe trên đường với
thời gian nhiều hơn và có hệ thống dữ liệu giám sát DAT

“Sự thay đổi này giúp người học có nhiều cơ hội cọ xát thực tế. Những tình huống ngoài đường sẽ rèn luyện cho người học nhanh chóng thích ứng với các tình huống giao thông. Quá trình điều khiển phương tiện, có thầy ngồi cạnh vừa phân tích tình huống vừa chỉ cách xử lý để đảm bảo an toàn giúp người học yên tâm. Điều quan trọng là học viên được lái nhiều hơn trước, lái đủ kilômét, đủ số giờ, vì vậy khi kết thúc khóa học, học viên sẽ tự tin hơn” - anh Thanh chia sẻ.

Thầy Phạm Ngọc Long, giáo viên Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và lái máy chuyên dùng cho biết: Từ đầu năm 2022, trung tâm đã đầu tư thiết bị DAT. Trên mỗi cabin đều gắn các thiết bị theo hệ thống kết nối đồng bộ nhằm quản lý thời gian cũng như các nội dung, quy trình, thao tác vận hành xe, đảm bảo dạy thật, học thật. Đây là điểm quan trọng nhất hiện nay, bởi hệ thống này không tính cự ly bằng công tơ mét của xe mà đếm quãng đường bằng GPS, tuyệt đối không thể can thiệp, gian lận được. Thiết bị trên xe được kết nối với máy chủ của trung tâm; máy chủ của trung tâm lại kết nối với máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Do đó, khi hoàn thành toàn bộ giáo án, chắc chắn học viên sẽ rất tự tin, rất vững tay lái.

Ông Nguyễn Văn Thanh Tâm, nhân viên công nghệ thông tin của trung tâm cho biết: “Với hệ thống thiết bị giám sát này, từ khi người dạy và người học bắt đầu lên xe cho đến lúc kết thúc buổi học đều được quản lý bằng hình ảnh. Trong quá trình dạy, nếu các nội dung, quy trình chưa đúng hoặc sai sót gì thì sẽ được trung tâm chỉnh sửa ngay, tránh tình trạng phải học lại, mất thời gian, công sức. Việc giám sát này cũng tạo điều kiện cho người học, nếu bận việc trong giờ hành chính, học viên có thể tranh thủ học vào thời gian rảnh. Kết thúc mỗi buổi học, hệ thống sẽ thông báo kết quả gửi về máy chủ, sau đó cộng dồn, khi nào đủ quãng đường và thời gian thì học viên đủ điều kiện thi tốt nghiệp và sát hạch”.

Học lái xe trên cabin mô phỏng

Lái xe trên cabin mô phỏng là nội dung được bổ sung vào quy trình học và thi sát hạch của các thí sinh khi tham gia kỳ thi lấy giấy phép lái xe các hạng từ B1 trở lên. Đây là quy định mới của Bộ Giao thông vận tải và được áp dụng từ ngày 15/6/2022. Trước khi thực hành lái xe ngoài đường, học viên được làm quen với phần lái xe trên cabin mô phỏng với 120 tình huống giao thông thường gặp trong thực tế. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và lái máy chuyên dùng cho biết: Cabin mô phỏng lái xe hay còn gọi là smart cabin là mô hình áp dụng công nghệ vào giảng dạy và thi lấy bằng lái xe ôtô. Mô hình này hiện đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới và gần đây bắt đầu được nhân rộng sử dụng ở các trường học lái xe của Việt Nam. Mục đích của cabin mô phỏng nhằm nâng cao kỹ năng điều khiển xe cho học viên, hỗ trợ kỹ thuật lái cơ bản, tăng thời gian thực hành làm quen với tay lái.

Bình Phước hiện có 5 trung tâm đào tạo lái xe. Để đáp ứng nhu cầu học lái của người dân ngày càng nhiều, ngoài đảm bảo về đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, trách nhiệm, các trường cũng đang đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định hiện hành. Hằng tháng, trên cơ sở đăng ký của các trung tâm, nếu danh sách, số lượng học viên đủ điều kiện, sở sẽ tiến hành tổ chức thi sát hạch và cấp bằng theo quy định.

Ông Phạm Hữu Độ, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải

“Vừa qua, trung tâm đã có một khóa học lái xe B2 theo quy định mới. Theo đó, 100/105 học viên qua phần thi sát hạch, đạt 95,2%. Hiện nay, trung tâm đã trang bị đầy đủ phòng học và máy vi tính, đáp ứng nội dung này, đồng thời mua 65 xe ôtô các loại phục vụ việc dạy và học đảm bảo chất lượng tốt, trong đó đa số là xe mới. Tất cả xe đều lắp đặt các thiết bị theo quy định, vận hành ổn định, phục vụ công tác đào tạo hiệu quả nhất” - ông Hạnh cho biết thêm.

kieuanh

Nguồn: Báo Bình Phước

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)