Toàn tỉnh hiện có 2 tuyến sông do Trung ương quản lý là sông Hồng và sông Luộc với tổng chiều dài 92 km.
Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến sông do địa phương quản lý với tổng chiều dài khoảng 113km, gồm các sông: Sông Sặt, sông Chanh, sông Cửu An, sông Điện Biên và sông Tam Đô. Hiện nay, tỉnh quy hoạch 11 cảng thủy nội địa, trong đó 6 cảng hàng hóa và 5 cảng hành khách…
Hoạt động bốc, xếp hàng hóa, vật liệu tại bến hàng hóa Bình Minh, xã Bình Minh (Khoái Châu)
Từ ngày 15/3/2021, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện công bố hoạt động các bến thủy nội địa (hàng hóa, bến khách ngang sông trên sông trung ương) theo quy định. Đến nay, sở đã thực hiện công bố (cấp phép) hoạt động đối với 26 bến hàng hóa và 15 bến khách ngang sông. Sở GTVT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chủ bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động bến thủy nội địa, tuyệt đối không kinh doanh, tiêu thụ, chứa chất, trung chuyển, vận chuyển, khai thác cát trái phép; chấp hành nghiêm việc chở hàng hóa,...
Cùng với đó, sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT, Ban Điều hành vận tải và kiểm tra tải trọng xe thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với hoạt động của các bến thủy nội địa, kịp thời báo cáo vi phạm đối với các bến thủy nội địa vi phạm trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, Sở GTVT đã xử phạt 58 trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động bến, bãi; thu hồi 4 giấy phép hoạt động bến theo quy định; đình chỉ hoạt động 2 bến do không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định,...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hạn chế chung của các tuyến sông địa phương trong khai thác vận tải như: Một số cầu, cống có tĩnh không hạn chế, khẩu độ thông thuyền hẹp; mật độ các công trình vượt sông trên các tuyến tương đối dày; sông bị ô nhiễm nguồn nước, tại một số khu vực mật độ bèo, rác với khối lượng lớn làm ảnh hưởng đến luồng tàu chạy. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vi phạm trong hoạt động bến thủy nội địa như: Bến hoạt động nhưng không có giấy phép (hoặc có giấy phép nhưng hết hạn, ngoài quy hoạch), vi phạm về đất đai, đê điều, hành lang thủy lợi, vệ sinh môi trường, phương tiện chở quá tải trọng cho phép,...
Trong đó, một phần nguyên nhân là chưa có sự quan tâm đúng mức, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động bến, bãi đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy lợi thế giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đối với những bến thủy nội địa đã được UBND tỉnh chấp thuận dự án đầu tư nhưng chưa được giao đất, thuê đất dài hạn, các sở, ngành, địa phương cần sớm thực hiện quy hoạch sử dụng đất để công tác quản lý và công bố hoạt động cho các bến thủy nội địa; cấp phép hoạt động bến bãi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo quy định.
Đối với những bến thủy nội địa có trong quy hoạch, đã xin ý kiến các sở, ngành và UBND cấp huyện nhưng chưa được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, ngành chức năng cần sớm kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các chủ bến thủy nội địa hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định; đặc biệt là các dự án đã có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý tiếp nhận dự án trên địa bàn tỉnh.
Đối với các bến thủy nội địa trong quy hoạch nhưng chưa được UBND tỉnh chấp thuận dự án đầu tư và cho thuê đất mà chủ bến có nhu cầu hoạt động để phục vụ các công trình, dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh cần có phương án công bố, cấp phép hoạt động tạm thời bến thủy nội địa để phục vụ thi công công trình chính theo quy định.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần có biện pháp xử lý dứt điểm, không để tái phạm theo đối với các bến thủy nội địa ngoài quy hoạch nhưng vẫn hoạt động tự phát.