Sáng 10/2, tại UBND tỉnh Thái Bình, Lãnh đạo tỉnh đã đồng chủ trì cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp.
Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng đi qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT, có chiều dài khoảng 80km, trong đó có 18km đi qua Ninh Bình, 29km qua Nam Định, 32km đi qua Thái Bình. Riêng đoạn 9km từ cầu vượt sông Thái Bình đến quốc lộ 37 do Thành phố Hải Phòng đầu tư. Bên cạnh tuyến đường ven biển, tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành sẽ tạo hành lang giao thông kết nối, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối nhiều tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án do đơn vị tư vấn trình bày, đại biểu các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và đơn vị tư vấn đã thảo luận làm rõ một số nội dung về phương án, thủ tục đầu tư, quy mô dự án, hướng tuyến, phương án giải phóng mặt bằng, phương án tài chính, tổng mức đầu tư và các cơ chế chính sách đối với dự án.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh đều thể hiện quyết tâm cao để sớm triển khai dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực và thể hiện sự thống nhất, quyết tâm cao, kỳ vọng lớn của tỉnh Thái Bình khi triển khai dự án này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phân tích làm rõ những tồn tại, đề xuất các giải pháp, phương án tháo gỡ vướng mắc về tài chính, giải phóng mặt bằng, quy mô dự án. Sau khi được hoàn thành, dự án sẽ là điểm nhấn trong hệ thống giao thông kết nối vùng và cả nước; tạo hành lang kết nối từ các địa phương trong vùng với sân bay, cảng biển, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế xã hội, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển chung của cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Do đó, việc đầu tư dự án là rất cần thiết, phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nhà đầu tư và đơn vị tư vấn tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, rà soát các phương án để sớm hoàn thiện báo cáo tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.