Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ định hướng trên, tỉnh đang tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm mang tính động lực. Trong các dự án giao thông trọng điểm tỉnh đang tập trung triển khai, Dự án Đầu tư xây dựng Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) là một trong những dự án động lực kết nối từ huyện Cái Bè đến huyện Gò Công Đông.
Quyết tâm đầu năm mới
Xác định tầm quan trọng của Dự án Đường tỉnh 864, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Lễ khởi công cầu Vàm Giồng (kết nối huyện Gò Công Tây và huyện Chợ Gạo) thuộc Dự án Đường tỉnh 864. Hạng mục có cầu chính có chiều dài 100m, chiều rộng 12m; đường vào cầu có chiều dài 1.127m. Chi phí xây dựng là 56,6 tỷ đồng. Thời gian thi công công trình 10 tháng kể từ ngày khởi công. Hạng mục cầu Vàm Giồng là gói thầu đầu tiên, đánh dấu bước khởi động triển khai thi công của toàn dự án Đường tỉnh 864.
Ngay từ đầu năm, tỉnh Tiền Giang đã khởi công xây dựng cầu Vàm Giồng
thuộc Dự án Đường tỉnh 864
Tiếp nối tín hiệu tích cực từ việc khởi công cầu Vàm Giồng, cầu Vàm Cái Thia (huyện Cái Bè) cũng được khánh thành và đi vào sử dụng. Cầu Vàm Cái Thia bắc qua sông Cái Cối là cây cầu cuối cùng trên Đường tỉnh 864. Đây là công trình then chốt, mang tính kết nối toàn tuyến Đường tỉnh 864; kết nối giao thông từ cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè đến TP. Mỹ Tho. Đồng thời, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông liên hoàn các huyện phía Tây của tỉnh ra đến Quốc lộ 1, giảm tải cho Quốc lộ 1. Cùng với cầu Vàm Cái Thia, cầu qua sông Mỹ Đức Tây cũng chính thức được đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu thuộc một nhánh sông nối ra sông Cái Cối, góp phần kết nối giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đường tỉnh 864. Cầu đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa của người dân, đáp ứng nhu cầu và tạo động lực để huyện Cái Bè tiếp tục phát triển trong tương lai.
Cầu Vàm Cái Thia và cầu Mỹ Đức Tây đi vào khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giải quyết nút thắt giao thông của Đường tỉnh 864 kết nối huyện Cái Bè với các huyện lân cận. Điều này không chỉ hoàn thiện hạ tầng giao thông cho huyện Cái Bè mà còn kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các khu, cụm công nghiệp và các khu vực khác trong tỉnh đã được quy hoạch để phát triển thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, khai thác phát triển du lịch 02 bên bờ sông Tiền.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, tiếp nối nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nguồn lực của Trung ương và địa phương, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 9.206 tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành cầu Vàm Cái Thia và cầu bắc qua sông Mỹ Đức Tây
Trong số các dự án giao thông quy mô lớn đang triển khai, Dự án Đường tỉnh 864 có chiều dài toàn tuyến 111,2km với tổng mức đầu tư 3.263 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Đường tỉnh 864 là một trong các tuyến đường trọng điểm có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đây là tuyến đường kết nối 03 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh (vùng phía Đông, vùng Trung tâm và vùng phía Tây). Đồng thời, kết hợp hệ thống giao thông thủy (sông Tiền), giao thông bộ cùng với việc đã và đang triển khai các dự án đầu tư như: Cầu Ngũ Hiệp, cầu Vàm Trà Lọt, cầu Tân Phong, cầu Tân Thạnh; các cống ngăn mặn trên Đường tỉnh 864… Các dự án khi hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải, giảm tải cho Quốc lộ 1… mà còn ngăn mặn, trữ ngọt tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch vùng phía Tây nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Hiện nay, Dự án Đường tỉnh 864 đang được tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai thực hiện giai đoạn 1. Theo ông Trần Minh Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, trong năm 2022, tỉnh đã tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng (đã giải ngân 515,2 tỷ đồng). Trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung cho công tác khởi công xây dựng các hạng mục của dự án. Sau sự kiện khởi công cầu Vàm Giồng, đơn vị sẽ tiếp tục khởi công xây dựng các tuyến đoạn từ TP. Mỹ Tho đến cầu Chợ Gạo; xây dựng cầu Chợ Gạo mới và xây dựng tuyến đường đến huyện Gò Công Tây… đảm bảo đến cuối năm 2025 thông tuyến toàn dự án.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với chiều dài tuyến 43,98km; trong đó, đoạn mở mới dài 18,7km, nâng cấp mở rộng 11,6km, chiều rộng mặt đường 11m láng nhựa, nền đường 12m (riêng đoạn qua địa bàn TP. Mỹ Tho thấm nhựa nóng). Trên tuyến có 07 cầu và các cống. Đến nay, dự án đã hoàn thành khối lượng lớn các công việc như: Đánh giá tác động môi trường của dự án; lấy ý kiến Nhân dân trong vùng dự án của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đoạn từ TP. Mỹ Tho đến cầu Vàm Giồng. Tất cả các hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đều được Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông vận tải thẩm định làm cơ sở để phê duyệt. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được khẩn trương thực hiện, đến nay đã chi trả được 952/1.272 hồ sơ, đạt tỷ lệ 74,8%. Riêng hạng mục cầu Vàm Giồng đã được giao toàn bộ mặt bằng.